Hàng Việt khó cạnh tranh xuất khẩu vì chưa tạo được thương hiệu Việt bền vững

Theo các chuyên gia kinh tế, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam muốn xuất khẩu bền vững và có thương hiệu ổn định cần có nhân tố mới, nét mới và ổn định chất lượng hàng hóa.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm hàng Việt Nam được bày bán khá nhiều trong hệ thống bán lẻ hiện đại. 

Nông sản đang 'vay thương hiệu' để xuất khẩu

Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên tốp 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới và là 1 trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế. Tuy nhiên, thực tế rất buồn là hầu hết sản phẩm Việt, đặc biệt là hàng nông sản đang phải "vay thương hiệu" để xuất khẩu. Thống kê cho thấy, có đến 70 - 80% là hàng xuất thô, giá trị gia tăng thấp và 80% không phải thương hiệu. Còn trong ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có thương hiệu toàn cầu riêng.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhìn nhận, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng cũng luôn duy trì mức 2 con số dù kinh tế thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, sản phẩm Việt vẫn tồn tại chủ yếu dưới hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỉ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình. Điều này xuất phát từ nguyên do thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu, chưa thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài. 

Theo bà Phan Thị Thắng, những khó khăn mà hàng Việt đang phải đối diện là thách thức từ những tiêu chuẩn về chất lượng, yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao, trong khi chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường, cùng xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Với những thách thức này, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không đủ tiêu chuẩn đáp ứng, gây khó cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp Việt muốn không bị loại khỏi thị trường buộc phải sớm thích ứng, thay đổi và tuân thủ "luật chơi". 

"Theo đó, các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu Việt có sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo, tập trung nâng chất sản phẩm, xây dựng thương hiệu Việt bền vững để có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, hoàn thiện mảnh ghép trong hệ sinh thái thương hiệu quốc gia, góp phần đưa thương hiệu quốc gia vươn tầm quốc tế", bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Một gian hàng hàng may mặc Việt bán tại siêu thị. 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Hiện nay, có rất nhiều quốc gia nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ở dạng thô, hoặc đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Việt Nam; sau đó sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị sản xuất rồi bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần… Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước xuất khẩu nông sản. Thế nhưng, việc xây dựng thương hiệu riêng của một quốc gia đem đi "đánh" xứ người không phải chuyện dễ  dàng thực hiện.

"Về mặt sản xuất, doanh nghiệp Việt có thể làm tốt nhưng không đảm bảo được chất lượng ổn định. Chưa kể, nông sản khác với sản xuất công nghiệp, có thể hôm nay có sản phẩm nhưng mai không  có, như vậy không thể xây dựng được thương hiệu như công nghiệp. Đặc biệt, giá cả nông sản thường không ổn định, rất khó cho việc xây dựng thương hiệu. Vì vậy, để giải quyết khó khăn trên, Việt Nam cần tạo được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, duy trì ổn định chất lượng nông sản, thực hiện áp dụng các chương trình canh tác xanh, tuần hoàn, có chứng nhận đạt chuẩn quốc tế để đạt chuẩn đầu ra cho sản phẩm...", ông Nguyễn Như Cường đề xuất.

Đẩy mạnh xanh hóa sản phẩm Việt 

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng Việt tại thị trường trong nước hiện nay đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu với nhiều chủng loại hàng hóa có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ đó tạo sức hút đặc biệt với người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu đến đối tác nước ngoài các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

“Trong nước, thương mại hiện đại và thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng Việt phát triển theo đúng xu thế trên thế giới. Những đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng góp quan trọng đối với năng lực cung ứng của hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đối với thị trường thế giới, hàng Việt cũng vượt khó và từng bước chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng, giá cả cạnh tranh. Về lâu dài, hàng Việt cũng  dần theo hướng “xanh”, đồng thời tận dụng những cơ hội mới như các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu”, ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC) cho rằng, hàng Việt muốn có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu và đi xa hơn thì cần tìm cho sản phẩm Việt nhân tố mới, tạo nét mới cho sản phẩm Việt, thương hiệu Việt. 

"Vừa qua, ngành dệt may Bangladesh đã thành công trong xây dựng thương hiệu "dệt may xanh". Với Việt Nam, để quá trình xanh hóa diễn ra, quan trọng nhất là tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp. Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của quá trình xanh hóa, cần khẳng định rằng nếu không xanh hóa thì không có tương lai. Cho nên, doanh nghiệp Việt muốn phát triển bền vững phải chuyển đổi xanh, tạo nội lực mềm cho doanh nghiệp, đón đầu cho tương lai", ông Nguyễn Ngọc Hòa nói. 

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Cảnh báo nguy cơ không có lối thoát từ chung cư ‘chuồng cọp’
TP Hồ Chí Minh: Cảnh báo nguy cơ không có lối thoát từ chung cư ‘chuồng cọp’

Chiều 27/6, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội định kỳ hàng tuần, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay người dân thường hàn, gắn các lồng sắt hay khung bảo vệ (gọi là "chuồng cọp") ở các căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ làm ngăn lối thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn, gây khó khăn cho lực lượng chức năng muốn tiếp cận cứu hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN