Thưa bà, bà có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lúc làn sóng thứ 4 COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp?
Đợt dịch COVID-19 thứ 4, tính từ ngày 27/4 đang có diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng tới nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Chính phủ vẫn đang thực hiện những biện pháp mạnh mẽ, thận trọng và khẩn trương nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh; đồng thời vẫn cân nhắc những biện pháp nhằm đảm bảo hài hòa, hợp lý, tạo không gian cho các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh hoạt động, không để rơi vào tình trạng phải đóng cửa, gây khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh.
Nỗ lực của riêng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là không đủ. Sự chung tay, chia sẻ, tuân thủ và phối hợp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh cũng là một yêu cầu rất quan trọng.
Cùng với tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ các biện pháp, hướng dẫn, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp cần cân nhắc các phương án sản xuất - kinh doanh và quản trị rủi ro một cách thận trọng và ở quy mô phù hợp, để bảo đảm trụ vững qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Việc tìm hiểu, cố gắng hoàn tất thủ tục để nhận được hỗ trợ theo các biện pháp của Chính phủ cũng rất quan trọng, để giảm bớt khó khăn cho chính doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong điều kiện cho phép và tùy ngành/nghề, doanh nghiệp cần cố gắng tìm kiếm, khai thác các cơ hội kinh doanh trong bối cảnh giãn cách xã hội/hạn chế đi lại, chẳng hạn như thương mại điện tử...
Theo bà, giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp giai đoạn hiện nay sẽ là gì?
Từ năm 2020 đến nay, Chính phủ đã ban hành, thực hiện và điều chỉnh các biện pháp chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ở một phạm vi nhất định, những phản ứng chính sách trong giai đoạn dịch đã bước đầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời giữ dư địa chính sách để ứng phó theo các kịch bản trong tương lai. Quan trọng hơn, ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như năm 2020, Việt Nam vẫn giữ được sự liền mạch trong cải cách môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, việc tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí càng có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp. Việc đẩy nhanh các biện pháp phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số sẽ bảo đảm sự tương thích với nỗ lực chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các giải pháp tạo thuận lợi thương mại cũng giúp giảm thiểu tác động bất lợi của gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch. Những cải cách liên quan đến chất lượng quản trị công và thực thi chính sách cũng góp phần phát huy sự chủ động và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, qua đó làm tăng số lượng doanh nghiệp tiếp cận được các biện pháp hỗ trợ.
-Bà có dự báo gì về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2/2021 cũng như tăng trưởng kinh tế GDP?
So với các nước trong khu vực, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có khả năng hồi phục tương đối lạc quan. Các tổ chức quốc tế uy tín như Fitch Ratings và Moody’s đều dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 kể từ cuối tháng 4/2021 đến nay cho thấy chúng ta vẫn phải rất thận trọng, cần đánh giá triển vọng tăng trưởng GDP và hoạt động của doanh nghiệp theo nhiều kịch bản khác nhau.
Tôi tin rằng, nếu Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng chung tay, quyết tâm chống dịch để sớm nối lại hoạt động kinh doanh bình thường – điều chúng ta đã làm được trong những đợt dịch trước - thì chúng ta có thể giữ được đà phục hồi tăng trưởng ngay cả trong quý II/2021.
Xin trân trọng cảm ơn bà!