Cụ thể, đối với nhóm giải pháp về phân cấp, phân quyền, kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP và các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng Đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh trong quý II/2021.
Đối với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, kiến nghị Thủ tướng ủng hộ chủ trương, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì hoàn chỉnh Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025 là 23%; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 – 2025; kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có quy định việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn giữa các doanh nghiệp có cùng cơ quan đại diện chủ sở hữu và chuyển giao công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đối với vấn đề quản lý tài sản của các doanh nghiệp nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử, kiến trúc, vị trí đảm bảo quốc phòng - an ninh, kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP Hồ Chí Minh để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và các khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) cổ phần hóa. Một phương án khác là chấp thuận chủ trương không cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục DNNN thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh mức vốn dự kiến đầu tư công, kế hoạch đầu tư công từ các nguồn vốn đầu tư TP Hồ Chí Minh có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TPHCM là 261.967 tỷ đồng.
Liên quan đến thành phố Thủ Đức, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phối hợp TP Hồ Chí Minh xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Thủ Đức, trình Chính phủ trong quý II/2021; kiến nghị Thủ tướng cho phép TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam. Các công trình bổ sung nêu trên sẽ được cân đối thanh toán từ khoản kinh phí tiết kiệm được trong quá trình thi công xây dựng hạ tầng của dự án và từ khoản tiền mà nhà đầu tư phải nộp bổ sung (nếu có) theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước khi xác định lại giá trị quyền sử dụng đất của các lô đất đã giao trước đây; kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam về ưu đãi cho dự án tăng vốn đầu tư của công ty này.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với các lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế chính trị, xã hội thành phố trong 4 tháng qua. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã lắng nghe nhiều kiến nghị, giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội TP Hồ Chí Minh. Sau khi nghe các nhóm vấn đề kiến nghị và đề xuất, kiến nghị của TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cơ bản đồng tình với các kiến nghị của TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều khởi sắc về tốc độ phát triển kinh tế, công tác chống dịch COVID-19 cũng đạt hiệu quả cao và giữ vững được nhiệm vụ, mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.
“Việc gì TP Hồ Chí Minh làm tốt hơn Chính phủ, các bộ/ngành thì phải để cho TP Hồ Chí Minh làm, nguyên tắc là vậy!”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đối với Nghị quyết 54 cần bổ sung những gì thiếu, Chính phủ cho TP Hồ Chí Minh cơ chế để làm quy hoạch. Đối với việc nâng mức điều tiết ngân sách từ 18% lên 23%, tinh thần là Chính Phủ ủng hộ tối đa, đây là việc vừa khuyến khích, cũng vừa là trách nhiệm của thành phố nhằm phục vụ cho mục tiêu 3 đột phá chiến lược.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, TP Hồ Chí Minh tiếp tục rà soát thể chế cơ chế chính sách, cơ cấu lại kinh tế; biến thành phố Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng, có thể đóng góp 25% vào GDP; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm phát triển văn hoá xã hội, an sinh xã hội, đặc biệt người yếu thế, bị ảnh hưởng đại dịch; tiếp tục cải cách hành chính, mô hình nào phù hợp thì làm thôi, thí điểm tốt có hiệu quả cứ mạnh dạn mà làm…
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2021 đạt 329.600 tỷ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,42%); Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 26%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% ; 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 11,7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,5 tỷ USD, tăng 14%; lượng khách nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, tổng doanh thu đạt hơn 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17%; đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút được 1,1 tỷ USD; có 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95%; tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt 140.300 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm “chống dịch như chống giặc”, thực hiện “Thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động”, kiên trì nguyên tắc chống dịch “Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch”.