Chị Nguyễn Minh Thu-quản lý tại Doanh nghiệp Potomac cho hay: Những ngày gần đây, khách hàng và đơn vị sử dụng dịch vụ tại nhà hàng đều chuyển khoản đặt cọc cũng như thanh toán tiền qua hệ thống liên ngân hàng. Giao dịch qua mạng thuận tiện giúp khách hàng không phải di chuyển hoặc phải tới tận cửa hàng để đặt cọc tiền mặt.
Thanh toán điện tử không cần dùng thẻ hay tiền mặt đang được nhiều người sử dụng. Ảnh minh họa: K.Thu. |
“Càng gần Tết, cửa hàng bánh kẹo thực phẩm khá đông, phần lớn là những khách hàng đặt mua ở các tỉnh xa. Với đơn hàng từ 10 triệu trở lên, khách phải chuyển khoản đặt cọc. Trước kia, khách hàng chuyển chéo ngân hàng thường phải mất từ 1-2 ngày tiền mới vào tài khoản, chưa kể có trường hợp sau đó giao dịch không thành công do bị ghi nhầm thông tin nên tiền không về tài khoản.
Hiện, hầu như có lệnh chuyển là tiền vào ngay nên cửa hàng giao hàng cho khách kịp thời. Với những mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn ngày như đồ trái cây tươi, khách hàng đều nhận được sớm”, Chị T.Linh- Chủ cửa hàng SmartChoice nói.
Theo các chuyên gia công nghệ, có được giao dịch nhanh chóng trên là nhờ hệ thống chuyển khoản nhanh liên ngân hàng. Mạng lưới này kết nối 40 ngân hàng chuyển tiền đi và nhận tiền đến ngay lập tức tại mọi thời điểm.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Khối nghiệp vụ, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS): Công ty đã phối hợp với ngân hàng tích cực để hỗ trợ xử lý thông tin, phân người trực 24h/ngày để hỗ trợ ngay khi có trường hợp xảy.
Phía ngân hàng, đại diện Maritime Bank cho biết: Với tính năng thanh toán điện tử mới nhất là M-QR, khách hàng chỉ mất vài giây để thanh toán hóa đơn tại hàng nghìn điểm mua sắm khác nhau trên toàn quốc mà không cần dùng thẻ hay tiền mặt.
Theo đó, khi thanh toán tại hàng nghìn siêu thị, nhà hàng, khách sạn, taxi hay trung tâm thương mại..., khách hàng chỉ cần đăng nhập ứng dụng ngân hàng di động (Mobile Banking) của Maritime Bank, quét mã QR bằng chức năng chụp ảnh, nhập số tiền thanh toán và xác nhận thanh toán là hoàn tất. Giao dịch thanh toán này được kết nối với hàng trăm trang website bán hàng trực tuyến khác nhau như: Lotte Mart, B’s mart, ThaiExpress, Hotpot Story, Hồng Lam, Royal Tea, Klever fruits, Big Green, taxi Nội Bài, taxi ABC.
“Với 3 lần bảo mật: nhập mật mã điện thoại, đăng nhập ứng dụng Mobile Banking và mật mã giao dịch để xác nhận thanh toán, khách hàng có thể yên tâm về tính bảo mật”, đại diện MartimeBank nói.
Theo các chuyên gia ngân hàng, cận Tết, nhu cầu rút tiền mặt tại các cây ATM thường tăng gấp 2 - 3 lần. Để hạn chế tình trạng tắc nghẽn ATM hoặc không rút được tiền vào dịp cuối năm, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã chuẩn bị các phương án nhằm đảm bảo cho hệ thống này luôn thông suốt.
Nếu như trong dịp bình thường, các máy ATM khi hết tiền mới bổ sung thêm tiền vào máy. Tuy nhiên dịp Tết, khi máy ATM chỉ còn khoảng 40% lượng tiền, các ngân hàng sẽ tiến hành bơm thêm tiền ngay và nhân sự các ngân hàng sẽ làm việc cả trong ngày nghỉ Tết để phục vụ người dân.
Để xử lý các sự cố khi giao dịch tại ATM bị trục trặc, ông Hoàng Anh Tuấn –Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt của Vietcombank cho hay: Nếu khách hàng dùng thẻ Vietcombank giao dịch trên máy ATM của Vietcombank bị nuốt thẻ hoặc trừ tiền trên tài khoản nhưng máy lại không chi tiền vì một lý do nào đó hoặc bị đồng thời vừa nuốt thẻ, vừa trừ tiền mà không chi tiền trên máy, khách hàng cần lưu ý các bước sau: Nên chờ thêm đến khi máy ATM chuyển sang chế độ chờ giao dịch tiếp để đề phòng máy ATM nhả tiền hoặc thẻ chậm; nên ghi lại các thông tin: địa điểm đặt máy ATM, ký hiệu máy, thời điểm thực hiện giao dịch, số tiền bị trừ (nếu là giao dịch rút tiền không thành công). Sau đó liên lạc với ngân hàng hoặc gọi số 1900545413; tới điểm giao dịch Vietcombank gần nhất để thực hiện tra soát.
“Nếu khách hàng là chủ thẻ của ngân hàng khác mà giao dịch trên máy ATM của Vietcombank bị xảy ra các tình huống trên thì liên hệ với ngân hàng phát hành thẻ để làm các thủ tục tra soát theo quy định của ngân hàng phát hành thẻ đó”, ông Tuấn nói.
Một số ngân hàng cho hay: Để thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng qua hệ thống máy ATM, ngân hàng không thể tự mình làm được mà cần phải có sự cung ứng và tương hỗ liên quan của nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ, đơn vị hỗ trợ hoạt động chuyên biệt như: Đơn vị cung ứng điện, cung ứng dịch vụ đường truyền, đơn vị cung ứng địa điểm đặt máy ngoài trụ sở ngân hàng, công an hỗ trợ công tác áp tải tiền hoặc đơn vị dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ áp tải tiền được trang bị công cụ hỗ trợ đầy đủ.
Theo ông Tuấn, nếu là giao dịch ngoại mạng thì còn liên quan đến ngân hàng đối tác và đơn vị chuyển mạch cho phép thẻ của ngân hàng này rút tiền trên máy ATM của ngân hàng khác. Vì vậy, xử lý các giao dịch tra soát cần phải có thời gian và thời gian tra soát đối với giao dịch ngoại mạng cũng đòi hỏi nhiều hơn so với giao dịch nội mạng. Đặc biệt, nếu ngân hàng đối tác là ngân hàng nước ngoài ở ngoài lãnh thổ thì thời gian còn phải dài hơn.