Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ sớm phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về An toàn giao thông và các cơ quan báo chí thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các DNBH vi phạm quy định.
Theo ông Phùng Ngọc Khánh, công tác tuyên truyền của các DNBH còn kém nên khiến người dân chưa nắm rõ được chính sách, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới để chủ động và tích cực tham gia.
Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối, đa dạng hình thức cung cấp dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm cũng như nâng cao trình độ, kỹ năng tư vấn của đội ngũ cán bộ khai thác bảo hiểm, chăm sóc khác hàng, đội ngũ đại lý bảo hiểm;… là các vấn đề cơ quan quản lý, cũng như các DNBH cần phải chú trọng.
Chính sách bảo hiểm cần phải đảm bảo phát huy tính nhân văn là bảo vệ tài chính cho các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản, ngay cả khi không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm.
Để giải quyết cơ bản, căn cơ mang tính lâu dài, ông Phùng Ngọc Khánh cho biết: Bộ Tài chính đã phối hợp với bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các DNBH xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo hướng ứng dụng thương mại điện tử trong việc bán bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử; tạo điều kiện cho DNBH chủ động thiết kế, xây dựng mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc.
Đồng thời, mức phí bảo hiểm tương ứng với rủi ro của xe cơ giới (gồm xe máy), chủ xe và người lái xe; tăng mức trách nhiệm bảo hiểm cơ bản đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.
Đặc biệt, quy định linh hoạt thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy và tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô; mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường nhằm kịp thời đảm bảo nạn nhân và gia đình có nguồn kinh phí điều trị y tế.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Cần cụ thể hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa, tăng trách nhiệm và tính chủ động của DNBH nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống gian lận bảo hiểm.
Dự kiến trong tháng 5 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP.
Theo Bộ Tài chính, sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham loại hình bảo hiểm này lên đến hơn 110 triệu (trong đó số lượt xe máy khoảng 93 triệu). Ngành bảo hiểm đã bồi thường cho hơn 593 ngàn vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng trên vụ. Trong đó, có hơn 100 ngàn vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 103, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm. Đồng thời, chi hơn 21 tỷ đồng phục vụ tuyên truyền, giáo dục nhận thức của chủ xe và cộng đồng về an toàn giao thông với đa dạng hình thức.
Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới cũng hỗ trợ xây dựng các công trình phòng tránh, hạn chế tổn thất tất như hệ thống biển báo giao thông, đường tránh, công trình hộ lan, tổng 75 công trình với tổng chi trên 90 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện như tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy vẫn còn thấp, đạt khoảng và 30% đối với xe máy (trong tổng số gần 60 triệu xe máy) so với tỷ lệ tham gia lên đến 90% đối với xe ô tô (trong tổng số trên 3 triệu xe ô tô). Một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan.
“Mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra”, ông Phùng Ngọc Khánh nói.