Giảm, giãn các nhiệm vụ chi nếu nguồn thu ngân sách địa phương bị hụt

Việc hoàn thành dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2018 được dự báo không khó nhưng chưa thể chủ quan vì 2 tháng cuối năm còn nhiều thách thức. Ông Võ Thành Hưng-Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
 Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính)

Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về tốc độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) đến thời điểm này? Theo ông, đâu là những thách thức đối với thu NSNN trong 2 tháng cuối năm?

Tổng thu NSNN lũy kế 10 tháng năm nay đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước cả năm, thu NSNN có thể vượt 3% so dự toán, trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán. 

Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, đánh giá tổng thu NSNN năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan theo các cam kết hôi nhập...

Tuy nhiên, xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN: Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao, khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.

Bên cạnh đó còn do nền ước thu năm 2017 để tính dự toán thu năm 2018 cao. Thực tế thực hiện, thu năm 2017 từ 3 khu vực này thấp hơn trên 34 nghìn tỷ đồng so với nền ước tại thời điểm tính dự toán năm 2018. 

Một lý do nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành có số nộp ngân sách lớn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng; chẳng hạn ngành viễn thông (thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng đạt khoảng 59%) ngành thuốc lá (thu 9 tháng ước đạt 70,6%), bia rượu (khoảng 69,5%);... 

Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán cho hay: Một số địa phương hụt thu so với dự toán. Lý do là các địa phương trọng điểm thu, cũng là các khu vực trọng điểm về kinh tế, có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa về thu ngân sách... Do vậy, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ thường giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung, trên cơ sở yêu cầu bám sát điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn và đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế... Chẳng hạn, dự toán thu nội địa năm 2018, trong khi dự toán thu nội địa từ sản xuất kinh doanh của cả nước tăng 13%, thì dự toán của nhóm 16 địa phương có điều tiết về trung ương tính tăng 21,2% so với ước thực hiện năm 2017.

Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77,3 nghìn tỷ đồng. Thời điểm 31/12/2017, con số này là 73,1 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017). 
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu, phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, đồng thời sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không phải điều chỉnh giảm dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; rà soát số nợ thuế phản ánh đúng thực chất hơn; khẩn trương trình các cấp thẩm quyền việc sửa đổi Luật Quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế. 

Bộ Tài chính sẽ ưu tiên các giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm nay, thưa ông?

Trong thời gian còn lại của năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các chính sách đảm bảo phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, qua đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý; trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế.

Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội yêu cầu các địa phương phấn đấu thu vượt dự toán để có nguồn đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; trường hợp dự kiến thu không đạt dự toán phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Đồng thời, chủ động sử dụng các nguồn lực để đảm bảo như 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương (quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách,...). Đây cũng là động lực để các địa phương nỗ lực phấn đấu tăng thu để có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Thưa ông, chi NSNN luôn là vấn đề lo ngại của dư luận xã hội, vậy trong lĩnh vực chi NSNN thì những vấn đề nào đang đặt ra cho ngành tài chính?

Trong bối cảnh cụ thể hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách là: thứ nhất kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách; và thứ hai là vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững của nền tài chính quốc gia.

Về kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài..., đội chi phí lên cao; việc tách bạch chi đầu tư-thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế - kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp...

Về cơ cấu lại chi NSNN thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26-27% (mục tiêu là 25-26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách nghèo đa chiều, ASXH, đảm bảo an ninh - quốc phòng,... 

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại chi giữa chi thường xuyên - chi đầu tư, giữa các lĩnh vực chi và trong từng lĩnh vực chi, giữa chi cho con người và chi cho các hoạt động khác còn khó khăn do chi thường xuyên chủ yếu là chi con người (khoảng 60-70%) nên việc điều chỉnh, cơ cấu phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công. Trong khi đó các nội dung này thời gian qua thực hiện có tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu theo các chủ trương. 

Năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc dự toán số thu sát thực tế hơn. Theo đó, dự toán thu nội địa từ sản xuất – kinh doanh năm 2019 dự kiến tăng 12,8%, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,6%-6,8% và lạm phát khoảng 4%. Đối với 16 địa phương có điều tiết về trung ương, dự toán thu năm 2019 tăng bình quân khoảng 13,1% so ước thực hiện năm 2018.

-Xin cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức
Chuyên gia: 'Ngân sách hầu như không có nguồn để trả nợ'
Chuyên gia: 'Ngân sách hầu như không có nguồn để trả nợ'

Các chuyên gia đánh giá, ngân sách hầu như không có nguồn để trả nợ mà phải đảo nợ, tức là đi vay để trả. Bội chi ngân sách luôn ở mức cao. Giải pháp trước mắt đang là bài toán tăng thu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN