Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân trong cả nước. Tại Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Gia Lai, nhiều cử tri bày tỏ phấn khởi trước thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng cho rằng việc đầu tư công vẫn chiếm tỉ lệ cao, dẫn đến gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Luật Đầu tư công còn hạn chế về thủ tục quy trình
Theo doanh nhân Nguyễn Văn Vĩnh (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), Luật Đầu tư công đã tạo ra công cụ quan trọng để bảo đảm việc quản lý đầu tư công được công khai, minh bạch, góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí; đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để tăng cường phòng chống tham nhũng, khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm và có nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính. Cụ thể, một số quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công như: việc điều chỉnh giữa các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, chưa thống nhất với các quy định khác tại Luật và chưa phù hợp với thực tế; tiêu chí phân loại, thẩm quyền ra quyết định, các điều chỉnh đối với chương trình, dự án đầu tư công (tiêu chí phân loại dự án nhóm A; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương)... Thêm nữa, quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP còn bất cập, chưa hoàn thiện; còn nhiều quy định chưa thống nhất giữa các luật quản lý đầu tư công, đặc biệt giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách Nhà nước, giữa Luật Đầu tư công với Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai.
Doanh nhân Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tập trung rà soát các nội dung còn vướng mắc, bất cập trong Luật Đầu tư công. Trên cơ sở đó, Quốc hội xem xét, nghiên cứu có thể sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật, cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cho phù hợp thực tiễn.
Tiến sỹ Lê Nữ Minh Phương, Phó Bộ môn Kinh tế đầu tư và phát triển, Đại học Kinh tế - Đại học Huế (Thừa Thiên – Huế) cũng cho rằng, mặc dù có sự chuyển biến cơ cấu về đầu tư phát triển kinh tế – xã hội nhưng đầu tư công vẫn chiếm tỉ lệ cao, dẫn đến gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công còn hạn chế về thủ tục quy trình. Sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế, trong khi chất lượng dự án của những nhà đầu tư này khá cao.
Tiến sỹ Lê Nữ Minh Phương đề xuất, cần tìm cách lôi kéo nhiều thành phần vốn để hỗ trợ đầu tư cho kinh tế-xã hội hay phối hợp thực hiện đầu tư công - tư theo hình thức đầu tư PPP. Ngoài ra, tiếng nói của các doanh nghiệp tư nhân, người dân cần được quan tâm hơn nữa để tiếp nhận những ý kiến góp ý, trao đổi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.
Cùng quan điểm với Tiến sỹ Lê Nữ Minh Phương, ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng ban Kiểm tra Hội Cựu Chiến Binh tỉnh Gia Lai cũng cho hay, hiện có rất nhiều dự án của các nhà đầu tư nước ngoài còn bị bỏ ngỏ do bị hạn chế về thủ tục, khó khăn trong quy trình đấu thầu, góp vốn. Theo đó, ông Thành cho rằng việc kết hợp kinh phí các dự án bằng nhiều thành phần cả vốn công và tư nhân để nền kinh tế cả nước có hướng phát triển cân bằng và khách quan hơn.
Theo dõi phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên – Huế Bùi Như Ý nêu ý kiến, nguồn ngân sách Nhà nước đang bị phân bổ dàn trải, thiếu tập trung. Do đó, theo Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thừa Thiên – Huế Bùi Như Ý, trước hết cần xem xét sự cấp thiết của các dự án; khả năng, chất lượng nhà đầu tư trước khi “rót” ngân sách về địa phương. Đặc biệt, yếu tố về môi trường và an sinh xã hội đối với từng dự án cần cân nhắc để có được sự đồng thuận cao từ người dân. Từ đó, các dự án sau hoàn thành mới có tính khả thi và hiệu quả.
Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Từng là Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), ông Phạm Văn Chững cho biết: Là quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nhiều thế mạnh về khí hậu, các giống cây trồng, vật nuôi, thậm chí có nhiều đặc sản mà nhiều quốc gia khác trong khu vực không có. Trong những năm gần đây, nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu nở rộ và phát triển, sản xuất ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Nông nghiệp công nghệ cao phát triển, năng suất và sản lượng không ngừng tăng cao, trong khi nhu cầu trong nước chưa đáp ứng được khả năng tiêu thụ sản phẩm, thị trường quốc tế chưa được mở rộng, sản phẩm nông sản Việt chưa có chỗ đứng, gây khó khăn cho hoạt động tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của các doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Chững đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trong việc phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đưa ra các chính sách cụ thể, phù hợp thực tiễn, hỗ trợ về thuế đối với nông sản công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển chuỗi hệ thống nhà máy sản xuất, bảo quản nông sản.
Ngoài việc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, cử tri cho rằng cần có giải pháp phát triển lĩnh vực chế biến nông sản.
Theo ông Ngô Thành, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai, Nhà nước cần có nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực chế biến nông sản để người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có tư liệu sản xuất, chủ động trong việc phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, cần có định hướng phát triển nông nghiệp đồng bộ từ kế hoạch sản xuất đến cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp từng địa phương; từ đó đóng góp chung cho tình hình phát triển kinh tế của cả nước.
Ngoài ra, ông Ngô Thành có kiến nghị về chính sách cho vay vốn để phát triển kinh tế trong vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa tránh tình trạng chủ trương Nhà nước đưa ra rất đúng đắn, kịp thời, tuy nhiên khi thực hiện vì những thủ tục nhiêu khê khiến người dân khó có thể tiếp cận nguồn vốn. Trong khi đó, tín dụng đen, cho vay với lãi suất cao khiến bà con không còn lãi sau khi đầu tư sản xuất khiến tình hình phát triển kinh tế địa phương bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Thành kiến nghị Nhà nước cần tập trung kiểm tra kết quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; cần có câu trả lời về tiến trình xóa đói giảm nghèo vì kết quả chưa tương xứng với kinh phí Nhà nước bỏ ra đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế những khu vực này. Chính phủ cần đồng bộ các chính sách và giải pháp xóa đói giảm nghèo tránh trình trạng lãng phí, chồng chéo ngân sách. Theo ông, việc xóa đói giảm nghèo là động lực chính nhằm phát triển kinh tế, xã hội đất nước phát triển.