Các chuyên gia tài chính cho rằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe ô tô, từ đó khuyến khích khách hàng quay trở lại mua xe ô tô sau dịch COVID-19.
Theo đó, từ ngày 28/6 đến 31/12, ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu, sang năm 2021, mức lệ phí trước bạ trở lại như cũ. Như vậy, sau khi được giảm 50% phí trước bạ, người tiêu dùng Việt Nam mua xe lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ chỉ phải đóng từ 5 - 6% phí trước bạ khi đăng ký lần đầu xe ô tô.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12 (Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/6 đến hết năm 2020). Mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện như sau: Từ ngày 28/6 đến hết ngày 31/12, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu cũ. Từ ngày 1/1/2021 trở đi, lệ phí trước bạ sẽ quay trở lại mức cũ (trước ngày 28/6/2020).
Với quy định mới, nếu người mua xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dưới 9 chỗ ngồi có trị giá 400 triệu đồng và đăng ký tại Hà Nội (mức thu lệ phí trước bạ hiện hành là 12%) thì chỉ phải nộp lệ phí trước bạ là 24 triệu đồng (mức cũ là 48 triệu đồng). Với một số dòng xe bán chạy hiện nay, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ khiến giá xe giảm đi đáng kể.
Đối với nhà sản xuất, phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ kích cầu tiêu dùng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng và phát triển.
Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của xe sản xuất, lắp ráp trong nước, phấn đấu đạt tỷ lệ xe sản xuất, lắp ráp trong nước chiếm 70%, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Theo PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc ban hành chính sách hỗ trợ trên không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ bình thường mới sau dịch COVID-19, chính sách có tác động kích cầu tốt sẽ tạo điều kiện cho tiêu thụ hàng hoá, đẩy mạnh sản xuất và phục hồi nền kinh tế.
Trước đó, Bộ Tài chính có tờ trình gửi Chính phủ thông qua Nghị định về giảm 50% phí trước bạ đối với xe ô tô lắp ráp. Đây là một trong những chính sách được người dân rất quan tâm, chờ đợi để mua xe ô tô với giá giảm. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, mức giảm lệ phí trước bạ cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của địa phương bởi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương. Việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến tác động giảm thu ngân sách địa phương năm 2020 ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, thị trường ô tô Việt Nam rất trầm lắng. Hiện tượng cung vượt cầu diễn ra từ cuối năm 2019, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh số toàn thị trường ô tô đi xuống, đặc biệt trong giai đoạn đầu năm 2020. Đơn cử tháng 5/2020, dù đã hết cách ly xã hội nhưng tâm lý chung của nhiều khách hàng nên thị trường xe vẫn khá ảm đạm dù lượng xe bán ra có tăng so với tháng 4/2020 do các hãng đua nhau giảm giá từ 50 - 200 triệu đồng/chiếc.