Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức sáng 21/7, mặc dù vàng tăng mạnh, nhưng giao dịch tại các cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội vẫn khá trầm lắng, không “sốt nóng” như giai đoạn năm 2010-2015. Số lượng người mua vào tăng lên chút ít và có tỷ lệ cao hơn so với bán ra.
Tại hệ thống Doji Hà Nội và Sài Gòn trưa 21/7, giá vàng mua vào-bán ra là 50,85-51,1 triệu đồng/lượng, tăng 250.000 đồng/lượng mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng bán ra so với chốt phiên ngày 20/7. Ở hệ thống vàng bạc Bảo Tín-Minh Châu, giá vàng mua vào-bán ra ở mức 50,92-51,12 triệu đồng/lượng, tăng 280.000 đồng/lượng mua vào và tăng 290.000 đồng/lượng bán ra so với kết thúc phiên ngày 20/7.
Cùng thời điểm trên, giá vàng SJC giao dịch tại hệ thống Công ty SJC Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đồng loạt tăng 350.000 đồng/lượng mua vào và 370.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước với giá mua vào-bán ra là 50,9-51,3 triệu đồng/lượng.
Còn ở hệ thống ngân hàng Eximbank, giá mua vào-bán ra là 50,97-51,22 triệu đồng/lượng, tăng 340.000 đồng/lượng mua vào và tăng 390.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước. Trong khi đó tại Maritime Bank, giá vàng SJC giao dịch là 50,2-51,35 triệu đồng/lượng, tăng 340.000 đồng/lượng mua vào và tăng 350.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước.
Theo các chuyên gia tài chính, thị trường vàng hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có triển vọng bất định của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới do đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực và chính sách bơm tiền của các nước… cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho mặt hàng kim loại quý. Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng thế giới sẽ sớm lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce hồi năm 2011 và có khả năng sẽ lên 2.000/ounce trong vòng vài tháng tới do chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các nước.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện Doji nói: “Giá vàng vượt ngưỡng 51 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng thị trường vàng trong nước khá bình lặng. Đơn cử, giao dịch vàng tại Tập đoàn Vàng bạc đá Quý Doji ngày 20/7 so với các ngày trước đó cũng không có quá nhiều biến động. Tỷ lệ mua/bán vàng miếng và vàng ép vỉ ngày 20/7 ở mức khoảng 75%. Nếu tính từ đầu tháng 7/2020 đến nay, tỷ lệ mua/bán vàng miếng và vàng ép vỉ đạt trung bình ở mức 80%”.
Theo đại diện Doji, hiện nay, người mua vàng vẫn tỏ ra khá thận trọng khi giá vàng trong nước tăng. Giá vàng thế giới những ngày gần đây có xu hướng chững lại, dẫn đến lo ngại giá vàng thế giới đã chạm đỉnh và sắp đảo chiều, thậm chí có thể diễn ra làn sóng bán tháo khiến giá vàng thế giới lao dốc như đã từng diễn ra trước đây. Nếu trong thời gian tới, giá vàng thế giới phá vỡ ngưỡng 1.829 USD/ounce, thì giá vàng có thể hướng đến mức cao nhất mọi thời đại. Ngược lại, giá vàng thế giới sẽ chịu sự điều chỉnh do giới đầu tư chốt lời.
“Trong thị trường với những yếu tố rất khó đoán định tạo ra bởi dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại…như hiện tại. Đầu tư vàng ở mức giá này sẽ chứa đựng rất nhiều rủi ro ngay cả đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng quan sát và không nên ‘bỏ trứng vào một giỏ’, cần phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác nhau, thay vì ‘tất tay’ vào vàng”, đại diện Doji đưa ra lời khuyên.
Theo TS.Bùi Trinh (Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam), hiện các kênh đầu tư khác như: Bất động sản, dầu mỏ, chứng khoán đang rất lao đao, chỉ có thị trường vàng vẫn tương đối vững nên các nhà đầu tư trên thế giới và Việt Nam có xu hướng mua vàng. Vì thế, không phải vấn đề cung cầu bị lệch pha. “Nếu giá vàng tăng cao quá mức sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, ảnh hưởng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên về mặt đầu tư không có chuyện bán tháo tài sản để mua vàng nên không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, không tạo ra thị trường ‘vàng đen’ như trước kia”, TS Bùi Trinh khẳng định.
“Vàng thế giới đang ở mức cao kỷ lục trong vòng 9 năm qua với mức tăng lên tới trên 1.800 USD/ounce, có những dự báo cho rằng kim loại quý có thể đạt mốc 1.900 USD - 2.000 USD/ounce. Nếu theo đà này, trong nước, nhiều khả năng giá vàng cũng đạt mốc kỷ lục 55 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, trước khi đạt được mốc đó thì thị trường vàng cũng sẽ phải chứng kiến rất nhiều biến động, thậm chí có lúc xuống rất thấp”, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu dự đoán.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, vàng đang tăng giá kỷ lục, nhưng không gây ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ bởi Chính phủ đã thành công trong vấn đề triệt tiêu vàng hóa nhiều năm nay, sẽ không có những “cơn sốt” mua vàng như chục năm trước.
Phiên giao dịch chiều tối qua của thị trường vàng thế giới đã có thời điểm vọt lên cao nhất 1.821,9 USD/oz. Giá vàng đã dao động gần mức cao nhất trong 9 năm qua nhờ sự yếu đi đáng kể của đồng đô la và lượng tiền dồi dào trên thị trường tài chính ở các nước phát triển. Để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các ngân hàng trung ương đã đưa ra các biện pháp nới lỏng, đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn đáng kể, đã hỗ trợ đà tăng hiện tại của thị trường này.
Tới 8 giờ 30 phút sáng 21/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.817 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.819 USD/ounce. Giá vàng hiện cao hơn khoảng 41,3% (530 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn 500 nghìn đồng/lượng so với giá vàng trong nước.