Giá kim loại quý hầu như chỉ giảm nhẹ ở những phiên đầu tuần. Phiên 17/10, giá vàng đảo chiều đi lên với mức tăng khiêm tốn trong bối cảnh giá vàng thế giới nhận được động lực từ việc đồng USD yếu hơn và các nhà đầu tư mua vào các tài sản an toàn.
Hai phiên cuối tuần, kim loại quý trong nước tiếp tục nhận được hỗ trợ từ giá vàng thế giới tăng trước những quan ngại về các nguy cơ đối với thỏa thuận Brexit mới cũng như sự giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế sau số liệu kém khả quan của Mỹ. Tuy nhiên mức tăng này không có sự bứt phá và giá vàng trong nước chỉ giao dịch dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng.
Sáng nay (20/10), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 41,47 - 41,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, vàng SJC được niêm yết giá mua vào - bán ra tương ứng ở mức 41,55 - 41,72 triệu đồng/lượng. Các mức giá này hầu như không chênh lệch nhiều so với đầu tuần.
Trong hầu hết các phiên tuần này, giá vàng thế giới chủ yếu dao động trong một phạm vi tương đối hẹp. Tính chung trên cả tuần, giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng khiêm tốn 0,4%.
Ông Tai Wong, người đứng đầu mảng giao dịch phái sinh kim loại quý và kim loại cơ bản tại ngân hàng BMO, cho biết đồng USD yếu đi có thể đã hỗ trợ cho giá vàng phần nào. Nhưng nhiều khả năng giá vàng đã tìm được trạng thái cân bằng cho đến khi một yếu tố vĩ mô mới xuất hiện.
Chuyên gia này nhận định phạm vi 1.380 - 1.400 USD/ounce là ngưỡng kháng cự dưới khá vững chắc cho vàng và mức 1.480 – 1.520 USD/ounce dường như là điểm cân bằng cho kim loại quý này.
Yếu tố khác cũng đang được thị trường để tâm là những phát biểu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo ông David Meger, người đứng đầu mảng giao dịch kim loại tại Công ty High Ridge Futures, thị trường đang hy vọng sẽ xuất hiện những chỉ dấu nếu quan điểm cắt giảm lãi suất của Fed có bất kỳ thay đổi nào tại cuộc họp cuối tháng này.
Trong những ngày gần đây, đã có các cuộc thảo luận về việc Fed có thể tạm dừng việc hạ lãi suất. Một trong những dấu hiệu đó là việc Chủ tịch Fed chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan mới đây đã nói rằng Fed đang theo dõi các dấu hiệu cho thấy sự suy giảm thương mại toàn cầu đang có tác động lên nền kinh tế Mỹ vượt ra ngoài các lĩnh vực chế tạo và đầu tư. Nhưng ngân hàng trung ương này vẫn chưa tiến vào "chu kỳ cắt giảm lãi suất toàn diện".