Giá vàng tiếp tục giảm trong phiên chiều 9/8

Giá vàng châu Á giảm xuống mức thấp của hơn bốn tuần trong phiên ngày 9/8 do số liệu việc làm tích cực của Mỹ làm dấy lên quan ngại về một đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, mà có thể làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ các tài sản không sinh lợi như vàng

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ảnh: AFP/TTXVN

Vào lúc 13 giờ 16 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 1,1% xuống 1.744,25 USD/ounce. Trước đó, giá kim loại quý này đã giảm tới 4,4% xuống 1.684,37 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 31/3, do một số hoạt động bán cắt lỗ. Khối lượng giao dịch không nhiều do thị trường Tokyo và Singapore đang nghỉ lễ. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 1,1% xuống 1.744,50 USD/ounce.

Harshal Barot, nhà tư vấn nghiên cứu cấp cao về Nam Á của công ty nghiên cứu thị trường Metals Focus, cho biết bức tranh kỹ thuật  của vàng không được khả quan và xu hướng giảm có thể tiếp diễn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, do vậy sẽ vẫn có nhiều nhà đầu tư tìm đến vàng (ở mức giá này) như là tài sản “phòng hộ”.

Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số nhân viên mới được tuyển dụng ở mức nhiều nhất trong gần một năm trong tháng 7/2021 và các nhà tuyển dụng tiếp tục tăng lương. Điều này củng cố các bình luận của quan chức Fed rằng cơ quan này có thể rút lại các chương trình kích thích kinh tế, được tung ra trong giai đoạn dịch bệnh, sớm hơn dự kiến nhờ sự phục hồi vững chắc của thị trường lao động.

Số liệu trên cũng giúp tăng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm, làm giảm sức hấp dẫn của vàng như là kênh đầu tư an toàn.

Trong khi đó, đồng USD chạm mức cao của hai tuần trong phiên 9/8.

Stephen Innes, một đối tác quản lý của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management, cho biết vàng có thể được thử nghiệm bằng chỉ số CPI, dự kiến công bố trong tuần này. Nếu lạm phát tăng mạnh, thì khả năng lãi suất tăng sớm hơn dự kiến sẽ cao hơn.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc đã giảm 1,7% xuống 23,93 USD/ounce. Trước đó kim loại quý này đã giảm tới 7,5% giá trị, chạm mức thấp của hơn 8 tháng là 22,50 USD/ounce.

Giá bạch kim chỉ giảm 0,1% xuống 978,60 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp kể từ tháng 11/2020 là 959,93 USD/ounce. Giá palladium nhích nhẹ 0,1% lên 2.629,87 USD/ounce.

Chiều 9/8, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,2 - 56,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á chốt phiên 9/8 tăng điểm

Chú thích ảnh
Bảng chỉ số chứng khoán tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên 9/8, dù các nhà đầu tư vẫn thận trọng sau khi báo cáo việc làm vượt dự báo của Mỹ củng cố sự lạc quan về đà phục hồi của nền kinh tế nhưng lại đưa đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu rút chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong năm nay.

Tại Trung Quốc, chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,4%, hay 104 điểm, lên 26.283,4 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,05%, hay 36,41 điểm, lên 3.494,63 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,3%, hay 9,94 điểm, xuống 3.260,42 điểm. Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ.

Sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta trên khắp thế giới đang gây lo ngại và gây sức ép lên giá dầu khi các chính phủ đánh giá lại triển vọng tăng trưởng, trong đó một số nước như Trung Quốc buộc phải tái áp dụng biện pháp phong tỏa và các biện pháp kiểm soát khác. 

Số liệu công bố cuối tuần trước cho thấy nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới tạo thêm 943.000 việc làm trong tháng Bảy, trong khi số liệu của tháng Sáu cũng được điều chỉnh tăng lên trên 900.000. Số liệu mới khẳng định nền kinh tế nước này tiếp tục phục hồi dù biến thể Delta đang lây lan nhanh.

Tuy nhiên, có những lo ngại rằng, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng quá nóng của nền kinh tế, Fed sẽ bắt đầu rút chính sách tiền tệ siêu nới lỏng vốn đã tạo động lực cho thị trường chứng khoán kể từ tháng 4/2020.

Fed đã liên tục nhấn mạnh sẽ duy trì chính sách kích thích để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế nếu cần, nhưng với lạm phát cao kỷ lục nhiều năm và thị trường việc làm đang phục hồi, ngân hàng này sẽ chịu sức ép hành động gia tăng. 

Theo nhà phân tích tại AMP Capital, Shane Oliver, Fed có thể sẽ thông báo quyết định rút các biện pháp hỗ trợ vào tháng Chín và sẽ triển khai vào cuối năm. 

Tại Việt Nam, chốt phiên này, chỉ số VN-Index tăng 1,37%, hay 18,41 điểm, lên 1.359,86 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index tăng 1,6%, hay 5,22 điểm, lên 330,68 điểm.

Chiều 9/8, giá dầu châu Á giảm hơn 2%

Chú thích ảnh
 Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phiên giao dịch chiều 9/8, giá dầu tại thị trường châu Á giảm hơn 2%, giữa những lo ngại sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 tại Trung Quốc có thể cản trở đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu.

Vào lúc 13 giờ 57 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 1,52 USD (2,2%) xuống 69,17 USD/thùng, sau khi giảm 6% vào tuần trước, mức giảm hàng tuần lớn nhất trong bốn tháng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 1,64 USD (2,4%) xuống 66,64 USD/thùng, sau khi giảm gần 7% vào tuần trước, tuần giảm mạnh nhất trong chín tháng.

Nhà phân tích Gordon Ramsay tại ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, có trụ sở tại Canada nhận định sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sụt giảm. Số liệu cuối tuần qua cho thấy trong tháng Bảy, tăng trưởng xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Trung Quốc đều thấp hơn dự kiến.

Theo chuyên gia Jeffrey Halley của sàn giao dịch tiền tệ OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ),  giá cả hai mặt hàng dầu đều tỏ ra dễ bị tổn thương trước những thông tin bi quan về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, số liệu cuối tuần qua đánh đi tín hiệu rằng đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh.

Trong tháng Bảy, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm xuống 9,71 triệu thùng/ngày, ghi dấu tháng thứ Tư liên tiếp nhập khẩu dầu dưới 10 triệu thùng/ngày và giảm mạnh so với mức kỷ lục 12,94 triệu thùng/ngày vào tháng 6/2020.

Phiên này, giá dầu cũng chịu sức ép khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng so với đồng euro sau khi báo cáo khả quan về thị trường việc làm Mỹ làm gia tăng đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Minh Hằng - Lê Minh - Trà My (TTXVN)
Lực cầu giúp chứng khoán dần hồi phục sắc xanh 
Lực cầu giúp chứng khoán dần hồi phục sắc xanh 

Phát hiện một số ca dương tính COVID-19 trong quá trình xét nghiệm sàng lọc mới đây nhưng các hoạt động giao dịch chứng khoán tại HoSE vẫn diễn ra bình thường. Kết thúc phiên giao dịch sáng 9/8, chỉ số VN Index tăng 3,27 điểm lên mức 1.344 điểm, với gia trị giao dịch gần 12.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN