Các chuyên gia nhận định, giá vàng có thể giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ nhận được các khoản hỗ trợ rất lớn, qua đó hạn chế đà lao dốc của giá vàng.
Tại thị trường Hà Nội, chốt phiên cuối tuần 7/8, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,3 - 57,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 250 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước giảm 380 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Mở phiên đầu tuần 2/8, giá vàng trong nước tăng 200 nghìn đồng/lượng. Sau đó, các doanh nghiệp giữ nguyên mức giá niêm yết trong sáng 3/8.
Sang sáng 4/8, giá vàng trong nước chuyển tăng nhẹ 50 nghìn đồng/lượng và giao dịch ở mức 57,4 triệu đồng/lượng. Đến sáng 5/8, giá vàng đảo chiều, giảm mạnh nhất trong tuần với mức 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trên thị trường thế giới, giá vàng phiên 6/8 đã trượt xuống mức thấp nhất trong hơn 1 tháng, sau khi báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ nâng cao kỳ vọng Fed có thể bắt đầu giảm dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế sớm hơn so với dự kiến trước đây.
Phiên này, giá vàng Mỹ giao tháng 12/2021 giảm tới 45,8 USD, tương đương 2,5% và chốt phiên ở mức 1.763,10 USD/ounce. Đây là mức giảm theo ngày cao nhất kể từ ngày 17/6 và là lần đầu tiên kể từ ngày 28/7 giá vàng chốt phiên dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce.
Với mức giảm sâu ghi nhận trong phiên 6/8, giá vàng cả tuần qua đã để mất 2,97%. Điều này đánh dấu sự sụt giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 18/6.
Ông Edward Moya, chuyên viên phân tích thị trường cao cấp tại Công ty Môi giới đầu tư Oanda nhận định, giá vàng có thể giảm xuống ngưỡng 1.700 USD/ounce trong thời gian tới. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn sẽ nhận được các khoản hỗ trợ rất lớn và tạo nền tảng cho vàng đi lên.
Đồng ý với quan điểm trên, chuyên gia Streible của Blue Line cho rằng, thị trường đã chứng kiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và các báo cáo kinh doanh đạt đỉnh trong giai đoạn qua. Vậy nên nhiều khả năng các số liệu kinh tế sẽ khá trái chiều trong thời gian tới, qua đó hạn chế đà lao dốc của giá vàng.
Với báo cáo mới nhất cho thấy, thị trường lao động đang tiếp tục phục hồi, giới đầu tư sẽ chuyển sự tập trung vào các số liệu lạm phát trong tuần tới để xem chúng sẽ tiếp tục nóng lên hoặc có dấu hiệu giảm bớt. Từ đó, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm manh mối về các động thái chính sách tiếp theo của Fed.
Theo dự kiến, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ sẽ lần lượt được công bố vào hai ngày 11 -12/8 tới.
Tuy nhiên, có một yếu tố bất ngờ khó dự báo cho nền kinh tế là đợt bùng phát lây nhiễm COVID-19 mới nhất. Hiện chưa rõ liệu đợt dịch này có lại "đánh gục" hoạt động kinh tế và tuyển dụng của nước Mỹ hay không.
Trước đó, báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ đã cao vượt quá mong đợi với 943.000 việc làm được bổ sung trong tháng trước.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại Công ty Môi giới đầu tư Blue Line Futures ở Chicago, Mỹ cho hay, báo cáo trên gây tổn thất cho vàng vì con số đã vượt kỳ vọng. Do đó, thị trường đang dự đoán rằng thời điểm Fed ra thông báo bắt đầu thu hẹp các biện pháp hỗ trợ sẽ sớm hơn nhận định ban đầu. Ngân hàng trung ương này có thể ra thông báo vào tháng 9 và thu hẹp dần các chính sách trong thực tế từ đầu tháng 1/2022.
Những đồn đoán về khả năng Fed cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế đã lan rộng trong những ngày gần đây. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lãi suất như vàng giảm đáng kể.
Chuyên gia Moya cũng cho biết, phần lớn số công việc tăng thêm trong báo cáo đến từ các lĩnh vực giải trí và khách sạn, vốn trả lương thấp hơn và không mang tính lạm phát. Điều này càng khiến sức hấp dẫn của vàng như một "hàng rào" chống lại lạm phát giảm đi.
Nhìn chung tuần qua, thị trường vàng thế giới đã có một tuần nhiều trầm hơn thăng, với chỉ hai phiên tăng nhẹ và ba phiên giảm khá lớn.
Trong phiên đầu tuần 2/8, giá vàng đi lên do ảnh hưởng từ sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư vào các kênh rủi ro gia tăng đã hạn chế phần nào đà khởi sắc của giá vàng, vốn được coi là "thiên đường trú ẩn an toàn". Phiên này, giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,3%.
Sang phiên 3/8, giá vàng thế giới giảm 0,44% khi các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm. Giá vàng cũng chịu sức ép khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy số đơn đặt hàng của các nhà máy tại nước này vượt dự báo, tăng 1,5% trong tháng 6, sau khi tăng 2,3% trong tháng 5.
Số liệu việc làm ở khu vực tư nhân của Mỹ yếu hơn dự kiến đã nâng đỡ giá vàng phần nào trong phiên 4/8. Tuy nhiên, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 7/2021 đạt mức cao nhất từ trước đến nay đã làm hạn chế phần nào mức tăng của giá vàng. Kim loại quý này chỉ nhích thêm 0,02% trong phiên này.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm 0,3% trong phiên 5/8, sau khi những bình luận của một quan chức Fed củng cố đồn đoán cơ quan này sẽ sớm cắt giảm chương trình mua tài sản.