Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.813,78 USD/ounce vào lúc 13 giờ 52 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,1% lên 1.816,50 USD/ounce.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao về thị trường châu Á - Thái Bình Dương của công ty môi giới đầu tư Oanda (Mỹ), nhận định thị trường vàng dường như đang ở chế độ “chờ và xem”.
Theo chuyên gia Halley, giá vàng tiếp tục dao động trong biên độ hẹp, nhưng vẫn thiên về tích cực và còn dư địa để tăng cao hơn nữa. Mức trung bình động 100 và 200 ngày cho thấy khả năng một đợt đột phá sắp tới và dữ liệu về thị trường việc làm Mỹ công bố vào thứ Sáu 6/8 sẽ là một chất xúc tác.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây đã nhấn mạnh thị trường lao động sẽ còn mất thêm thời gian để “chữa lành” các tác động của đại dịch COVID-19. Họ cũng nhấn mạnh cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp nền kinh tế phục hồi hoàn toàn.
Những lời nhận xét khá ôn hòa của Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi tuần trước về khả năng tăng lãi suất lãi còn cách khá xa đã giúp vàng tăng hơn 1%, trong khi đồng USD giảm xuống mức thấp một tháng và duy trì quanh ngưỡng đó tới nay.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do họ nắm giữ đã giảm 0,2% xuống 1.027,97 tấn trong phiên 3/8 vừa qua.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 0,4% lên 25,65 USD/ounce. Giá bạch kim lại giảm 0,1% xuống 1.048,03 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 20 phút chiều 4/8, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,65 - 57,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).