Ngay từ phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 2/8), giá dầu mất hơn 3% sau khi các số liệu kinh tế yếu đi của Mỹ và Trung Quốc cùng sản lượng dầu thô dự kiến cao hơn từ các nhà sản xuất lớn gây lo ngại về khả năng cung vượt cầu.
Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong hai phiên giao dịch liền sau đó, khi số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 ngày càng tăng đã “lấn át” dự báo về lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ tiếp tục giảm. Ngoài ra, đồn đoán về sự trở lại của Iran trên thị trường năng lượng cũng gây sức ép cho giá dầu. Iran và sáu cường quốc đã đàm phán kể từ tháng 4/2021 nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà có thể “giải phóng” xuất khẩu dầu của nước này. Tuy nhiên, các quan chức cho biết vẫn còn những khoảng trống đáng kể.
Đáng chú ý, phiên 4/8, giá cả hai loại dầu chủ chốt này đều ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 20/7/2021. Đối với dầu Brent, đó cũng là phiên giảm thứ ba phiên liên tiếp lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5/2021.
Điểm sáng duy nhất của thị trường năng lượng trong tuần này là phiên giao dịch ngày 5/8, khi giá dầu tăng hơn 1% do căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Các máy bay phản lực của Israel đã tấn công nơi mà quân đội nước này cho là các địa điểm phóng tên lửa ở Lebanon vào sáng ngày 5/8 để đáp trả hai quả rocket được bắn về phía Israel từ lãnh thổ Lebanon. Động thái này diễn ra sau một cuộc tấn công vào tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Oman vào 29/7, mà Israel đã đổ lỗi cho Iran. Hai thành viên thủy thủ, gồm 1 người Anh và 1 người Romania, đã thiệt mạng, song Iran đã phủ nhận mọi liên quan.
Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 6/8, giá dầu lại quay về với quỹ đạo giảm, do tác động của các quy định hạn chế dịch chuyển liên quan tới đại dịch COVID-19 và sự mạnh lên của đồng USD sau khi tăng trưởng việc làm tháng 7/2021 của Mỹ tốt hơn dự báo.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giảm 59 xu Mỹ (tương đương 0,8%) xuống 70,70 USD/thùng. Giá dầu WTI mất 81 xu (tương đương 1,2%) còn 68,28 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent đã hạ hơn 6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 4 tháng, còn giá dầu WTI lao dốc gần 7%, chứng kiến tuần giao dịch tồi tệ nhất trong 9 tháng.
Howie Lee -chuyên gia kinh tế tại ngân hàng OCBC- chia sẻ, biến thể Delta hiện đang thực sự bắt đầu có ảnh hưởng rõ nét và sự lo ngại rủi ro diễn ra ở nhiều thị trường, không chỉ riêng dầu mỏ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ, vốn đã tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, sẽ tiếp tục tăng trước khi giảm xuống và biến thể Delta đang gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhật Bản đã sẵn sàng mở rộng các lệnh hạn chế sang nhiều khu vực hơn, trong khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đã áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thành phố và hủy các chuyến bay.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu tại Mỹ tăng 2 giàn lên 387 giàn trong tuần này. Sự gia tăng số giàn khoan đã chậm lại trong những tháng gần đây, khi các nhà khai thác tiếp tục tập trung vào những quy định về vốn.