Đầu tuần, giá vàng thế giới chịu áp lực giảm giá khi chỉ số đồng USD ở mức cao khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài. Giới đầu tư vẫn hướng sự chú ý vào lộ trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với nhiều khả năng Fed tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất vào thời gian sắp tới nhằm "hạ nhiệt" lạm phát. Điều này thúc đẩy đồng USD mạnh lên và tạo áp lực giảm cho giá vàng.
Thị trường đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 20-21/9 tới. Kể từ tháng Ba, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 225 điểm cơ bản để chống lại đà tăng của lạm phát. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng ở quanh mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.
Tuy nhiên, sau khi chỉ số đồng USD rời khỏi mức cao nhất trong hơn 20 năm, giá vàng đã phục hồi. Các nhà quan sát lưu ý thị trường vàng sẽ gặp bất lợi khi Fed tăng lãi suất, song việc giá vàng không "chìm" sâu hơn nữa cho thấy giới đầu tư vẫn nhìn nhận vai trò của kim loại quý này đối với các nền kinh tế đang trên bờ vực hoặc đã suy thoái.
Đóng cửa phiên giao dịch 9/9, trên sàn giao dịch Comex của Mỹ, giá vàng kỳ hạn tăng 8,4 USD, tương đương 0,5%, lên 1.728,60 USD/ounce. Tính chung cả tuần qua, giá kim loại quý này tăng gần 0,4%, theo dữ liệu thị trường Dow Jones.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới Kitco Metals, nhận xét chỉ số USD giảm 0,67% đã hỗ trợ thị trường kim loại quý. Đáng chú ý, giá vàng tăng ngay cả khi Thống đốc Fed Christopher Waller ngày 9/9 cho biết ngân hàng trung ương có thể phải tăng lãi suất lên trên 4% nếu lạm phát không ổn định lại trong năm nay.
Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money, lý giải rằng mối đe dọa của một cuộc suy thoái toàn cầu, cũng như cuộc xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine đang cung cấp đủ hỗ trợ để giữ giá vàng trên 1.700 USD/ounce, bất chấp sức mạnh của đồng bạc xanh và khả năng có nhiều đợt tăng lãi suất nữa trong những tháng tới.
Tuy nhiên, nhà phân tích độc lập Ross Norman nhận xét, thị trường vàng tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và khối lượng giao dịch trên thị trường kỳ hạn của Mỹ cũng tiếp tục giảm. Điều đó cho thấy khả năng giá vàng khó có thể duy trì đà tăng.
Thị trường hiện đang chờ đợi dữ liệu lạm phát tháng Tám của Mỹ, sẽ được công bố vào đầu tuần tới, để dự đoán quy mô đợt tăng lãi suất tháng Chín của Fed. Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA dự báo, nếu giá tiêu dùng tăng nóng hơn dự kiến, giá vàng có thể giảm về ngưỡng hỗ trợ 1.680 USD/ounce.