Vào lúc 1 giờ 31 phút sáng 31/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay thế giới giảm 0,9% xuống còn 1.952,30 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống còn 1.942,30 USD/ounce
Theo chiến lược gia về hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities, các nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân đang tăng cường bán vàng để chốt lời.
Trước đó, giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục 1.980,57 USD/ ounce trong ngày 28/7, sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong khi cam kết sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phục hồi sau giai đoạn suy thoái do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Giá vàng - thường hưởng lợi khi lãi suất thấp - đã tăng hơn 28% kể từ đầu năm 2020 đến nay nhờ nhu cầu đầu tư tăng mạnh.
Theo nhà phân tích kỳ cựu Jim Wyckoff của Kitco Metals, thị trường vàng sẽ trải qua một đợt điều chỉnh giá trong ngắn hạn, song về trung hạn và dài hạn thì giá kim loại quý này vẫn có xu hướng đi lên.
Trong khi đó, việc Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã giảm 33% trong quý II/2020, số liệu kém nhất kể từ năm 1947, và Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập đến việc lùi thời gian tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020 đã dẫn tới tình trạng bán ra mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ và làm giảm lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Theo ông Phillip Streible, trưởng chiến lược gia thị trường của Blue Line Futures tại Chicago, các nhà đầu tư đang rất quan ngại trước các thông tin trên và tìm cách rút vốn khỏi thị trường chứng khoán của Mỹ, từ đó tác động tới giá vàng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giảm 4,9% xuống còn 23,22 USD/ounce, giá bạch kim để mất 3,1% xuống 895,20 USD/ounce, trong khi giá palladium lùi 4,4% xuống 2.061,96 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc đóng cửa ngày giao dịch 30/7, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,55-57,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).