Hai năm nữa, giá vàng thế giới có thể lên 3.500 USD/ounce

Một nhà phân tích dự báo với kênh CNBC (Mỹ) rằng thị trường vàng thế giới đang rất mạnh và giá vàng có thể chạm mức 3.500 USD/ounce sau 2 năm nữa.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bán tại Dublin, Ireland. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 27/7, giá vàng thế giới tăng và đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh có nhiều lo lắng về đại dịch COVID-19 và căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc.

Ông Barry Dawes, Chủ tịch điều hành tại công ty Martin Place Securities, nói: “Điều thực sự đáng nói là giá vàng nhanh chóng vượt mức giá kỷ lục trước đó 1.923 USD. Điều nữa rất quan trọng là giá vàng cũng từng vượt ngưỡng 1.800 USD một cách dễ dàng như vậy. Về cơ bản thì tôi thấy đây là thị trường rất, rất mạnh”.

Ông Dawes dự báo: “Tôi dự báo mức giá 3.500 USD trong vòng 2 năm nữa”. Ông Dawes cho rằng có thể xảy ra tình trạng gom hàng nhưng nhận định sức mạnh tiềm ẩn khiến giá vàng tăng là điều “rất quan trọng”.

Ông Garth Bregman thuộc ngân hàng quản lý tài sản của BNP Paribas dự báo giá vàng có thể quanh mức 2.000 USD và tiếp tục tăng nữa. Ông nói: “Chúng tôi không thấy có chất xúc tác nào trong ngắn hạn để vàng ngừng tăng giá. Trong thực tế, các nhân tố đã đẩy giá vàng lên các mức cao mới này vẫn hiện hữu”.

Chú thích ảnh
Vàng miếng tại sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Về phần mình, Juerge Kiener, Giám đốc quản lý Swiss Asia Capital, cũng dự báo giá kim loại quý tăng. Ông nhận định giá vàng có thể lên 2.834 USD và đây sẽ là mức giá mà vàng nhanh chóng đạt được. Về lâu dài, các mức giá vàng sẽ còn cao hơn đáng kể.

Ông Kiener cho rằng xét lịch sử giá vàng, giá kim loại này đã tăng 7 hoặc 8 lần so với mức giá đáy. Ông nói: “Nếu mức giá đáy là 1.050 USD, nhân bảy lần lên, bạn sẽ có mức giá khoảng 8.000 USD”.

Lý giải về sức hấp dẫn của vàng, ông Kiener cho rằng vàng đang mang lại lợi nhuận cao hơn đáng kể trong vòng 12 tháng tới so với lợi nhuận thấp của trái phiếu Mỹ. Ông nói: “Về cơ bản, bạn không có thêm đường cong lợi tức trái phiếu nữa. Đường cong này đã bị kéo phẳng hết mức”. Lợi tức trái phiếu thực tế đang ở mức âm tại nhiều quốc gia. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đang ở mức 0,61%.

Ông Kiener nhận định: “Kết quả là vàng bắt đầu rất, rất hấp dẫn và sức hấp dẫn sẽ còn tiếp tục không chỉ thu hút những người tìm kiếm tài sản rủi ro thấp mà còn cả những người muốn có lợi nhuận”.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên viên phân tích châu Âu tại công ty Pictet Wealth Management, ông David Gaud cũng đồng ý rằng vàng đáng để nắm giữ. Ông nói: “Lý do chính là lãi suất thấp và lãi suất sẽ còn ở mức thấp không chỉ trong ngắn hạn mà còn trung và dài hạn. Việc nắm giữ vàng trong bối cảnh tổng thể này rất hợp lý”.

Ông Dawes tại Martin Place Securities cho biết châu Á và Trung Đông “hấp thụ” rất nhiều vàng, gạt phương Tây ra lề. Ông nói: “Phương Tây phải xây dựng lại vị thế và cách duy nhất họ làm như vậy là đẩy giá vàng lên cao hơn”.

Ngoài ra, theo ông Dawes, có nhiều vấn đề đẩy giá vàng đi lên như tiền tệ và gói kích thích liên quan COVID-19. 

Vào chiều 28/7 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay ở châu Á đứng ở mức 1.941,23 USD/ounce, nhưng đã rời xa mức đỉnh 1.980,57 USD/ounce đạt được trước đó do nhiều nhà đầu tư bán chốt lời. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn nhích 0,2% lên 1.935,10 USD/ounce.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Giá vàng châu Á rời khỏi đỉnh 1.980,57 USD/ounce
Giá vàng châu Á rời khỏi đỉnh 1.980,57 USD/ounce

Trong phiên giao dịch chiều ngày 28/7, giá vàng châu Á đã ổn định sau khi liên tục xác lập các mức cao kỷ lục khi đồng USD mạnh lên, dù cho quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ đã giúp nhu cầu đối với kim loại quý này đứng vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN