Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay hạ 1,5%, xuống 1.800,68 USD/ounce, ghi nhận mức giảm theo ngày mạnh nhất trong hơn một tháng. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn hạ 1,6%, xuống 1.800,10 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới hàng hóa RJO Futures (Mỹ), nhận định: “Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, đồng USD mạnh hơn và tâm lý đầu tư rủi ro được cải thiện đang thúc đẩy thị trường chứng khoán, qua đó gây áp lực lên thị trường vàng”.
Phiên này, chỉ số S&P 500 dao động gần mức cao kỷ lục khi thị trường chứng khoán tìm cách nới rộng đà leo dốc vào năm mới. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức cao nhất 6 tuần, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý vốn không sinh lời.
Bất chấp sự gia tăng số ca mắc COVID-19, số trường hợp tử vong và nhập viện do biến thể Omicron tương đối thấp, khiến chính phủ nhiều nước tạm ngừng các biện pháp phong tỏa xã hội. Ông Haberkorn cho biết, nhà đầu tư kỳ vọng làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới chỉ là tạm thời.
Chỉ số đồng USD tăng trong ngày 3/1 khi nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lộ trình nâng lãi suất trong năm 2022, qua đó khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Khép lại năm 2021 giá vàng đã giảm 5%, đánh dấu năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.
Một số nhà đầu tư coi vàng như một “hàng rào” ngăn ngừa lạm phát cao hơn, nhưng vàng lại rất nhạy cảm với đà tăng của lãi suất Mỹ, vì làm tăng chi phí nắm giữ kim loại quý này.
Tại thị trường Hà Nội, lúc 9 giờ 11 phút ngày 4/1, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,8-61,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).