Tuy nhiên, đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn kế hoạch rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong đại dịch đã giữ cho kim loại quý này gần mức cao của 2 tháng rưỡi.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.822,86 USD/ounce. Trong phiên 3/9, kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 16/6 là 1.833,80 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5% xuống 1.825,10 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã tăng lên, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các tiền tệ khác.
Số liệu của Bộ Lao động công bố ngày 3/9 cho thấy số lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã tăng thêm khoảng 235.000 người trong tháng 8/2021, thấp hơn nhiều so với dự báo 728.000 của các nhà kinh tế.
Nhà phân tích thị trường Carlo Alberto De Casa tại công ty dịch vụ ActivTrades nhận định sau khi số liệu việc làm khiến nhiều thị trường thất vọng, các nhà đầu tư nhận thấy sức ép đối với việc rút lại các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Chủ tịch Fed Jerome Powell giảm xuống. Động thái này có thể chỉ bắt đầu vào tháng 12/2021 và đây là một trong những yếu tố hỗ trợ giá vàng.
Ông De Casa cho biết thêm vàng sẽ vẫn duy trì trên mức 1.800 USD trong ngắn hạn.
Chủ tịch Fed Powell hồi tháng trước đã phát tín hiệu rằng thị trường việc làm phục hồi mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết để ngân hàng trung ương bắt đầu rút dần hoạt động mua tài sản.
Một số nhà đầu tư coi vàng là nơi “trú ẩn an toàn” để chống lại lạm phát, mà có thể tăng cao do các biện pháp kích thích kinh tế, trong khi lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay không đổi ở mức 24,68 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,5% xuống 1.020,46 USD/ounce, còn giá palladium giảm gần 1% xuống 2.402,48 USD/ounce.
Đầu giờ sáng ngày 7/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,75 - 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).