Khép phiên này, giá vàng giao ngay đã giảm 0,8% xuống 1.931,37 USD/ounce vào lúc 1 giờ 52 phút sáng ngày 27/1 theo giờ Việt Nam, sau khi đã có lúc giảm xuống 1.918,49 USD/ounce trong phiên. Giá kim loại quý này lúc đầu phiên đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 là 1.949,09 USD/ounce.
Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,7% xuống 1.930 USD/ounce.
Kinh tế Mỹ đã duy trì được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2022 trong bối cảnh người tiêu dùng đã thúc đẩy chi tiêu hàng hóa, tuy nhiên đà tăng trưởng này dường như đã chậm lại đáng kể vào cuối năm.
Chỉ số đồng USD đã tăng 0,2% khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với những người mua nắm giữ đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng gần mức cao trong phiên, gây sức ép cho vàng.
Tai Wong, nhà giao dịch cấp cao tại công ty kinh doanh kim loại quý Heraeus Precious Metals ở New York (Mỹ) cho biết nền kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ nhìn chung vẫn ổn định, mức tiêu dùng cá nhân giảm trong quý IV/2022 có thể là do vấn đề tâm lý, song điều này chắc chắn mang lại dư địa cho Fed để tăng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng đã giảm nhiều hơn dự kiến, cho thấy thị trường lao động thắt chặt.
Các thị trường đang đồn đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp diễn ra vào tuần tới, với mức lãi suất cuối cùng là 4,9% vào tháng 6/2023, vẫn thấp hơn mức 5% được nhiều nhà hoạch định chính sách dự đoán.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết các số liệu về chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi vào ngày 27/1 trước thềm các cuộc họp vào tuần tới sẽ tác động đến tâm lý các nhà đầu cơ.
Lãi suất thấp hơn có xu hướng có lợi cho vàng, làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lãi.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay không đổi ở mức 23,90 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 1,8% xuống 1.021,25 USD/ounce, trong khi giá palladium giảm 1,4% xuống 1.674,77 USD/ounce.