Chiều 26/1, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.943,51 USD/ounce, sau khi chạm mức 1.949,09 USD/ounce trước đó trong phiên, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,2% lên 1.946,30 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giao dịch gần mức thấp của 8 tháng.
Sự chú ý của thị trường hiện hướng đến số liệu GDP quý IV/2022 của Mỹ, dự kiến công bố lúc 20 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam. Số liệu này có thể cho thấy lập trường của Fed tại cuộc họp chính sách sắp tới.
Michael Langford, Giám đốc công ty tư vấn doanh nghiệp AirGuide, cho biết số liệu GDP của Mỹ có khả năng xác nhận kinh tế Mỹ đang chậm lại. Nếu bối cảnh cho thấy nền kinh tế đang tiến gần tới một cuộc suy thoái, thị trường sẽ chứng kiến sự dịch chuyển của các quỹ từ chứng khoán sang vàng và đồng USD. Câu hỏi quan trọng đối với các nhà đầu tư là đồng USD sẽ mạnh lên bao nhiêu và điều này sẽ tác động như thế nào đến giá vàng trong thời gian tới.
Hầu hết các nhà đầu tư dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất khoảng 2 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách hai ngày 31/1 và 1/2. Fed đã giảm tốc độ thắt chặt lãi suất xuống 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022 sau bốn lần tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trước đó.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, dự đoán vàng có thể giao dịch trong khoảng 1.935-1.960 USD/ounce cho đến cuộc họp của Fed.
Nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao số liệu về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong ngày hôm nay và số liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong ngày 27/1.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,9% xuống 23,68 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,1% xuống 1.038,38 USD/ounce và giá palladium giảm 0,1% xuống 1.696,50 USD/ounce.
Thị trường vàng Việt Nam đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán.