Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 1.794,30 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất trong phiên 1.790,20 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn mất 2%, xuống còn 1.793,10 USD/ounce.
Philip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định đà giảm của giá vàng trong phiên này tiếp nối đợt bán tháo hôm 26/1, khi các thị trường tiếp nhận phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell về nâng lãi suất.
Kinh tế Mỹ ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao trong quý IV/2021, khi việc bổ sung hàng dự trữ của các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ giúp quốc gia này năm vừa rồi đạt hiệu suất kinh tế tốt nhất trong gần bốn thập kỷ. Báo cáo mới nhất công bố ngày 27/1 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2021 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này vượt khá xa mức tăng trưởng 2,3% trong quý III/2021, cũng như kết quả cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters tiến hành là 5,5%.
Ảnh hưởng tiêu cực hơn đến sức hút trú ẩn an toàn của vàng đối với người mua nước ngoài đó là việc đồng USD đã tiến lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2020.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy giá vàng sẽ giảm trong năm 2022 và năm 2023, khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất, làm tăng lợi suất trái phiếu và làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Vàng đã giảm hơn 3% kể từ khi chạm mức cao nhất trong 10 tuần vào ngày 25/1, do căng thẳng Nga – Ukraine.
Cũng trong phiên này, giá bạc hạ 3,3%, xuống 22,71 USD/ounce. Giá bạch kim mất 0,9%, xuống 1.022,15 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium tăng phiên thứ tám liên tiếp, ghi thêm 1,9%, lên 2.372,20 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, cuối ngày 27/1, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 61,95 - 62,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).