Vào lúc 14 giờ 32 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.664,30 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 2.681,80 USD/ounce.
Ông Ajay Kedia, Giám đốc Công ty Kedia Commodities tại Mumbai, cho biết giá vàng đang dao động trong biên độ hẹp và cần một chất xúc tác mới để giá vàng bứt phá khỏi ngưỡng kháng cự.
Giá vàng đã đạt mức cao nhất gần bốn tuần trong phiên trước, sau khi báo cáo việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ yếu hơn dự đoán, cho thấy Fed có thể sẽ ít thận trọng hơn trong việc nới lỏng lãi suất trong năm nay.
Thị trường hiện đang chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ vào ngày 10/1 để có thêm tín hiệu về đường hướng chính sách của Fed.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1. Các chính sách bảo hộ và thuế quan mà ông đề xuất được dự đoán sẽ thúc đẩy lạm phát.
Biên bản cuộc họp gần nhất của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách cũng đã lưu ý rằng các số liệu lạm phát cao hơn dự đoán trong thời gian gần đây, cùng với ảnh hưởng của những thay đổi có thể xảy ra trong chính sách thương mại và nhập cư, cho thấy chu kỳ nới lỏng tiền tệ có thể mất nhiều thời gian hơn dự đoán trước đây.
Vàng được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lãi này.
HSBC nhận định giá vàng có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn và đầu năm 2025, nhưng sự kết hợp của các yếu tố trên thị trường vật chất và tài chính có thể kiềm chế đà tăng này và khiến giá vàng giảm nhẹ vào cuối năm tới.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 30,17 USD/ounce, và giá bạch kim giảm 0,3% xuống 952,54 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều 9/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 84,5 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.