Giá vàng dự kiến tăng tuần thứ ba liên tiếp
Giá vàng châu Á giảm nhẹ trong phiên ngày 12/7, song hướng đến tuần tăng giá thứ ba liên tiếp trong bối cảnh số liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến đã củng cố hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 9/2024.
Khoảng 14 giờ 02 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 2.404,12 USD/ounce do hoạt động chốt lời sau khi tăng 2% trong phiên ngày 11/7. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống 2.408,00 USD/ounce.
Số liệu công bố ngày 11/7 cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ giảm và mức tăng tính theo năm là nhỏ nhất trong một năm, giúp Fed tiến gần hơn một bước tới việc cắt giảm lãi suất.
Trưởng nhóm phân tích thị trường Tim Waterer của công ty giao dịch hàng hóa trực tuyến KCM Trade, cho biết triển vọng lạm phát và bức tranh lãi suất đã dịch chuyển theo hướng có lợi cho vàng trong tuần này. Thị trường đang tiến gần hơn đến môi trường lãi suất thấp và vàng có khả năng thiết lập mức cao kỷ lục mới trước khi kết thúc năm.
Theo công cụ theo dõi FedWatch của CME, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 đã tăng lên 93% so với mức 70% trước khi dữ liệu được công bố.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly ngày 11/7 dự báo sức ép giá cả và thị trường lao động giảm xuống sẽ đảm bảo việc cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee cho biết nền kinh tế Mỹ có vẻ như đang quay trở lại mục tiêu lạm phát 2%.
Hiện sự chú ý của thị trường đang hướng đến chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ, dự kiến công bố lúc 19 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam. Chỉ số này có thể là yếu tố then chốt để xác định giá vàng sẽ kết thúc tuần ở mức nào, trên hay dưới mốc 2.400 USD/ounce.
Tại thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2% xuống 30,80 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất trong hơn một tháng phiên 11/7. Giá bạch kim giảm 1,1% xuống 993,04 USD/ounce và giá palladium giảm 2,4% xuống 971,39 USD/ounce.
Chứng khoán châu Á tăng nhờ kỳ vọng về lãi suất của Mỹ
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên ngày 12/7 sau phiên giao dịch ảm đạm của phố Wall dù cho niềm tin về việc Fed hạ lãi suất ngày càng tăng. Trong khi đó, đồng yen chứng kiến những biến động mạnh khi có suy đoán cho rằng Nhật Bản đã can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 2,5% lên 18.285,82 điểm, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải đi ngang ở mức 2.971,30 điểm.
Còn ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 2,5% xuống 41.190,68 điểm.
Chứng khoán Singapore, Sydney, Wellington, Mumbai, Bangkok, Jakarta và Manila đều tăng điểm, trong khi chứng khoán Seoul đi xuống.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 thấp hơn dự kiến đã thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược vào việc Fed hạ lãi suất vào tháng 9/2024, thậm chí có thể là một lần nữa trước tháng 1/2025. Thông tin này được đưa ra sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ không đợi đến khi lạm phát chạm mức mục tiêu 2% của ngân hàng trước khi nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời cảnh báo rằng "nếu đợi quá lâu, có thể là đã quá muộn".
Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết số liệu lạm phát thấp hơn của Mỹ đã tạo ra cơ hội để các nhà chức trách Nhật Bản tham gia thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng yen, đồng tiền này đã tăng mạnh so với đồng USD trong phiên 11/7.
Đồng yen Nhật tăng vọt từ khoảng 161,50 yen/USD lên mức cao nhất là 157,44 yen/USD, làm dấy lên suy đoán rằng các quan chức đã can thiệp một lần nữa, tương tự như cách họ đã làm vào tháng 4/2024 khi đồng yen chạm mức thấp nhất trong 38 năm.
Trong khi có nhiều suy đoán về sự can thiệp của chính phủ, quan chức ngoại giao hàng đầu về tiền tệ của Nhật Bản, ông Masato Kanda, nói với các phóng viên vào tối 11/7 rằng các nhà chức trách "không có quyền để bình luận về việc liệu họ có can thiệp vào thị trường hay không".
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 3,05 điểm (0,24%) xuống 1.280,75 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,37 điểm (0,15%) xuống 245,02 điểm.
Giá dầu hướng đến tuần giảm giá
Giá dầu châu Á tăng trong phiên ngày 12/7 trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy sức ép lạm phát tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, dịu xuống, dù cho dầu Brent biển Bắc hướng đến một tuần giảm giá.
Khoảng 13 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 49 xu (0,6%) lên 85,89 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 58 xu (0,7%) lên 83,20 USD/thùng.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng trong hai phiên trước đó, nhưng vẫn ghi nhận mức giảm tính chung tuần.
Sau bốn tuần tăng giá, dầu Brent dự kiến giảm khoảng 1% trong tuần này, còn dầu WTI nhìn chung ổn định.
Thị trường dầu đã nhận được sự hỗ trợ sau số liệu ngày 11/7 cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ đã giảm trong tháng 6/2024, làm dấy lên hy vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Lãi suất thấp được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó giúp tăng tiêu thụ nhiên liệu.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang chờ đợi những dấu hiệu hành động rõ ràng hơn. Mặc dù Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận áp lực giá cả đã cải thiện gần đây, song ông nói với các nhà lập pháp rằng cần có thêm dữ liệu để củng cố cho việc giảm lãi suất.
Các dấu hiệu về nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ trong mùa Hè ở Mỹ cũng hỗ trợ giá cả. Dữ liệu của chính phủ cho thấy nhu cầu xăng dầu của Mỹ ở mức 9,4 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong tuần kết thúc ngày 5/7, mức cao nhất trong tuần mà bao gồm kỳ nghỉ Quốc khánh Mỹ kể từ năm 2019. Nhu cầu nhiên liệu máy bay trung bình bốn tuần ở mức mạnh nhất kể từ tháng 1/2020.
Nhu cầu nhiên liệu tăng mạnh đã khuyến khích các nhà máy lọc dầu của Mỹ tăng cường hoạt động và rút từ các kho dự trữ dầu thô. Dữ liệu của chính phủ cho thấy lượng dầu thô đầu vào ròng của các nhà máy lọc dầu vùng Vịnh của Mỹ đã tăng vào tuần trước lên hơn 9,4 triệu thùng/ngày lần đầu tiên kể từ tháng 1/2019.