Giá vàng tiếp tục đứng ở mức đỉnh của tháng Năm
Giá vàng châu Á giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều ngày 4/6 trên các thị trường châu Á, nhưng tiếp tục đứng ở mức đỉnh của tháng Năm, khi các dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt, làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Trong phiên này, giá vàng giao ngay giảm 8,37 USD/ounce, tương đương 0,36%, còn 2.341,90 USD/ounce. Trong khi, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 7,4 USD/ounce, tương đương 0,32%, xuống 2.339,2 USD/ounce.
Với dữ liệu thị trường lao động Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này, các nhà đầu tư kỳ vọng có thể biết thêm tín hiệu về lộ trình lãi suất của Mỹ và xu hướng đường đi của giá vàng.
Theo công cụ CME FedWatch, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 9/2024 là 52,1%, tăng so với kỳ vọng 47% đo lường vào ngày 3/6.
Sự thay đổi kỳ vọng này diễn ra sau khi dữ liệu chỉ số nhà quản lý mua hàng của Mỹ, phát hành ngày 3/6, cho thấy hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Năm.
Fed dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới và giữ lãi suất ổn định. Nhưng trước đó, dữ liệu thị trường lao động quan trọng sẽ được công bố trong tuần này và có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lãi suất của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay ổn định ở mức 30,46 USD/ounce, thấp hơn 0,3 USD/ounce, tương đương 0,98%, so với phiên giao dịch trước. Còn giá bạch kim giảm 0,1%, xuống 1.011,4 USD/ounce và giá palladium giảm 0,19%, ở mức 915,87 USD/ounce.
Tại Việt Nam, trong chiều nay (4/6), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 77,48 - 78,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Lo ngại nguồn cung tăng đẩy giá dầu đi xuống
Giá dầu châu Á tiếp tục giảm trong phiên giao dịch chiều ngày 4/6, xuất phát từ tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư về khả năng nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu của Mỹ có dấu hiệu suy yếu.
So với phiên sáng nay, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đã giảm 73 xu Mỹ, tương đương 0,93%, xuống còn 77,63 USD/thùng.Tương tự, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 87 xu Mỹ, tương đương 1,17%, dừng ở mức 73,35 USD/thùng.
Cả hai loại dầu chuẩn này đều duy trì ngưỡng giá nằm dưới mốc 80 USD/thùng bắt đầu từ tháng Hai và hiện vẫn chưa có dấu hiệu tăng.
Hôm 2/6, Tổ chức các Nước Xuất khẩuDầu mỏ và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã nhóm họp trực tuyến. Tại phiên họp này, OPEC+ đã thống nhất gia hạn phần lớn lệnh cắt giảm sản lượng khai thác hiện tại đến cuối năm 2025, nhưng đồng ý cho 8 thành viên đã cắt giảm sản lượng tự nguyện được loại bỏ dần các hạn chế từ cuối quý III/2024.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của ngân hàng IG nhận định giá dầu thế giới đang đối mặt với tình trạng khó khăn, do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi hướng dẫn của OPEC+ về việc bắt đầu dỡ bỏ một số lệnh cắt giảm sản lượng từ tháng 10/2024, trong khi điều kiện nhu cầu không được hỗ trợ tốt, bị ảnh hưởng bởi hoạt động sản xuất của Mỹ yếu hơn dự kiến.
Một số nhà phân tích cho biết mối lo ngại về các động lực kinh tế vĩ mô từ những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, như Mỹ và Trung Quốc, có thể sẽ tiếp tục gây áp lực làm giảm giá dầu trong thời gian tới.
Chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đi xuống trong phiên giao dịch chiều ngày 4/6, giữa bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu đang chờ đợi kết quả bầu cử chính thức của Ấn Độ và cân nhắc những ảnh hưởng từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi dữ liệu hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục suy yếu.
Trong phiên giao dịch chiều nay (4/6), chỉ số chứng khoán MSCI toàn châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) đã giảm 0,4% và chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản mất 85,57 điểm, tương đương 0,22%, còn 38.837,46 điểm.
Chỉ số S&P AXS của Australia cũng mất 0,5%. Còn tại Ấn Độ, chỉ số Nifty 50 giảm tới 5,43% xuống 22.000,60 điểm, trong khi chỉ số BSE giảm 5,4%, xuống 72.337,34 điểm.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải đã tăng nhẹ 0,41%, tương đương 12,71 điểm, đạt 3.091,2 điểm và chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,19%, tương đương 34,39 điểm, đạt 18.437,43 điểm.
Nhà kinh tế học David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu của Invesco khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu thấy nhiều ‘chồi xanh’ hơn ở Trung Quốc, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành các biện pháp kích thích đối với lĩnh vực bất động sản”.
Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa biện pháp hỗ trợ thị trường được Chính phủ Trung Quốc triển khai. Điều đó có thể tạo tác động tới các thị trường châu Á và tương quan giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 4/6, chỉ số VN-Index tăng 3,52 điểm (0,28%) lên 1.283,52 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index giảm 0,4 điểm (0,16%) xuống 244,32 điểm.