Cụ thể, giá vàng hiện được giao dịch ở mức quanh 1.894 USD/ounce so với 1.910 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch.
Tương tự, trên thị trường dầu thô, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 0,13% xuống 90,95 USD/ thùng so với 92,93 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch; giá dầu Brent giảm từ 95 USD/thùng xuống còn 93,29 USD/thùng.
Nhà chiến lược cấp cao về thị trường tại RJO Futures Bob Haberkorn nhận định: " Diễn biến mới nhất về tình hình Nga - Ukraine là tích cực, khiến các thị trường đi xuống".
Các thị trường chứng khoán châu Á cũng đã hạn chế đà giảm sau khi sụt mạnh vào đầu phiên 21/2, khi đã có hy vọng về một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, dù vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 196,06 điểm, hay 0,72%, xuống 26.926,01 điểm. Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong (Trung Quốc) giảm 218,12 điểm, hay 0,9%, xuống 24.109,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,07%, hay 2,35 điểm, xuống 3.488,41 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 13,35 điểm, hay 0,49%, xuống 2.731,17 điểm.
Một yếu tố khác cũng đang gây sức ép lên các thị trường là khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát. Nhà kinh tế trưởng của JPMorgan, Bruce Kasman, nhận định FED sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong 9 cuộc họp sắp tới, đưa lãi suất về mức bình thường vào đầu năm 2023.
Trong thời gian gần đây, giá hàng hóa toàn cầu chịu tác động mạnh từ diễn biến tại Ukraine, trong bối cảnh nhu cầu vốn đang tăng vọt và lo ngại về nguồn cung suy giảm nhanh chóng. Giá các nguyên liệu thô đang ở gần mức kỷ lục, kéo lạm phát lên cao và làm phức tạp nỗ lực phục hồi kinh tế của các ngân hàng trung ương.