Cụ thể tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.214,23 USD/ounce vào lúc 13 giờ 57 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi đã tăng 0,2% hồi phiên trước. Giá vàng giao ngay cũng tiến thêm 0,1% lên 1.222,2 USD/ounce.
Phiên này, đồng USD ổn định so với đồng yen Nhật Bản sau khi đồng bạc xanh hồi đầu phiên đã có lúc rơi xuống mức thấp nhất của hai tuần trước thềm cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Đồng thời, thị trường cũng có những đồn đoán về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ kết thúc chương trình tiền tệ siêu lỏng.
Theo chuyên gia Richard Xu, nhà quản lý của quỹ giao dịch vàng lớn nhất Trung Quốc HuaAn Gold, hiện giá vàng không có được sự hỗ trợ từ bất cứ diễn biến địa chính trị lớn nào. Vậy nên giá kim loại quý này sẽ dao động trong một biên độ khá hẹp.
Bên cạnh đó, có vẻ như giới đầu tư đều tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất, do vậy vàng hiện càng không phải một kênh đầu tư hấp dẫn. Thậm chí, nếu có những đồn đoán về tiến trình tăng lãi suất nhanh hơn hoặc lạm phát của Mỹ tăng cao, giá vàng sẽ còn chịu thêm nhiều áp lực đi xuống trong tương lai.
Fed đã nâng lãi suất tổng cộng hai lần tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay và đang hướng đến hai đợt tăng lãi suất nữa trong thời gian tới, với lần tăng thứ ba được dự báo sẽ diễn ra vào tháng Chín. Các quan chức Fed cũng cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện đủ “khỏe mạnh” để ngân hàng trung ương tiến hành nâng lãi suất lên cao hơn nữa.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do họ nắm giữ đã giảm 0,18% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017 là 786,08 tấn trong phiên 8/8 vừa qua.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này đã tăng 0,2% lên 15,41 USD/ounce, trong khi giá bạch kim cũng tiến thêm 0,7% lên 832 USD/ounce.
Trong phiên giao dịch chiều ngày 9/8, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều, trước đà tăng của đồng yen và đồn đoán về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 45,92 điểm (0,2%) xuống 22.598,39 điểm, giữa bối cảnh đồng yen lên giá và các nhà đầu tư giữ tâm lý cẩn trọng trước các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chiến lược gia Yoshihiro Ito, thuộc Okasan Online Securities, nhận định sự tăng giá của đồng yen đã khiến chỉ số Nikkei chịu sức ép ngay từ lúc mở cửa giao dịch. Đầu phiên này, đồng USD giảm xuống 110,71 yen so với mức 110,96 yen trong phiên trước tại Mỹ.
Bên cạnh đó, trước khi diễn ra cuộc đàm phán giữa Tokyo và Washington về vấn đề thương mại, các nhà giao dịch vẫn giữ tâm lý chờ đợi. Dự kiến, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi sẽ có cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào ngày 9/8 tại Washington.
Ngược với đà giảm tại Nhật Bản, chứng khoán Trung Quốc lại đi lên giữa lúc các nhà đầu tư phớt lờ quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 50,31 điểm (1,83%) lên 2.794,38 điểm.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 248,16 điểm (0,88%) lên 28.607,30 điểm, ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư đối với nhóm cổ phiếu công nghệ cao, trước những đồn đoán về khả năng chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo giới quan sát, hỗ trợ lĩnh vực công nghệ sẽ là bước đi mới nhất trong một loạt biện pháp Bắc Kinh tiến hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, khi quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng với Mỹ tạo thêm sức ép với nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc.