Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại thị trường chứng khoán New York đồng loạt tăng điểm. Ảnh: THX/TTXVN |
Chốt phiên giao dịch ngày 11/6, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại thị trường chứng khoán New York đồng loạt tăng điểm, sau những phiên giao dịch đầu giờ chịu nhiều sức ép trước thông tin liên quan bất đồng giữa Mỹ và các nước khác tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vừa diễn ra tại Canada.
Cụ thể, chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% lên 25.322 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,1% lên 2.782 điểm, trong khi chỉ số ngành công nghệ kỹ thuật Nasdaq tăng 0,2% lên 7.569,93 điểm.
Bên cạnh các yếu tố địa chính trị, các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến chính sách tiền tệ dự kiến được công bố sau cuộc họp vào cuối tuần này giữa Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản.
Thị trường chứng khoán châu Á mở cửa sáng 12/6 cũng theo đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và nối tiếp đà tăng của ngày trước đó. Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,73% lên 22.971,36 điểm, trong khi chỉ số Topix tăng 0,63% lên 1.798 điểm. Tại thị trường giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số KOSPI tăng 0,09% lên 2.472,35 điểm trong 15 phút giao dịch đầu tiên.
Cuối phiên 11/6, giá vàng giao ngay cũng tăng 0,1% lên 1.299,83 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn Mỹ giao tháng 8/2018 cộng thêm 50 xu Mỹ (0,04%) lên 1.303,20 USD/ounce.
Fed có thể sẽ nâng lãi suất mục tiêu lên trên mức lạm phát lần đầu tiên trong một thập niên qua, đồng thời tìm cách duy trì chuỗi tăng trưởng dài thứ hai trong lịch sử trong khi tiếp tục nâng lãi suất. Lãi suất tăng cao thường làm “lu mờ” sức hấp dẫn của những tài sản vốn được coi là “nơi trú ẩn an toàn” như vàng. Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang có xu hướng tăng cao hơn.
Các thỏi vàng trưng bày tại sàn giao dịch vàng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: EPA/TTXVN |
Chỉ số đồng USD cũng vững lên so với rổ tiền tệ chủ chốt. Tuy nhiên, những dấu hiệu đáng khích lệ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore về những nỗ lực phi hạt nhân hóa mới là yếu tố gây ảnh hưởng đến vàng, làm giảm sức hút của kim loại quý này.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng sẽ có các cuộc họp chính sách trong tuần này. Theo Stephen Innes, người phụ trách APAC thuộc OANDA, khi rủi ro địa chính trị dịu đi, Fed và ECB sẽ “định hướng” số phận của vàng trong ngắn hạn.