Giá cổ phiếu được niêm yết tại thị trường chứng khoán Tokyo ngày 11/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những số liệu đáng khích lệ mới từ nền kinh tế lớn nhất thế giới giúp giới đầu tư lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu, qua đó đẩy lùi những lo ngại về nguy cơ chiến tranh thương mại.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 197,53 điểm (0,87%), lên 22.823,26 điểm, ghi dấu phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp. Đồng yen yếu giúp các nhà xuất khẩu Nhật Bản có thêm lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa từ những nước khác đã hỗ trợ chứng khoán Nhật Bản trong phiên này. Trong khi đó, đà tăng từ chứng khoán Mỹ trong phiên trước cũng góp phần vào sắc xanh trên bản đồ chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 7/6 ( phiên 6/6 chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận phiên cao kỷ lục thứ ba liên tiếp, sau khi báo cáo mới nhất cho hay hoạt động xuất khẩu của Mỹ tăng cao kỷ lục trong 4/2018).
Tại thị trường Sydney của Australia và Seoul của Hàn Quốc, chỉ số S&P/ASX 200 và KOSPI lần lượt tăng 0,8% và 0,7%. Trong khi các thị trường Singapore, Đài Bắc, Wellington, Manila và Jakarta cũng đều lên điểm. Không nằm ngoài xu hướng trên, chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong (Trung Quốc) cũng tiến 253,53 điểm (0,81%), lên 31.512,63 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ sáu liên tiếp.
Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite lại giảm 5,68 điểm (0,18%), xuống 3.109,50 điểm, do xu hướng bán tháo đẩy mạnh vào cuối phiên. Các nhà quan sát nhận định, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại Quebec, Canada từ ngày 8 đến 9/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không có được cái nhìn “thiện cảm” từ những quan chức khác sau khi quyết định áp thuế cao hơn đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU). Các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí thừa nhận rằng sẽ rất khó khăn để các nước đạt được một tuyên bố chung tại cuộc họp kéo dài hai ngày này. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về kịch bản diễn ra cuộc chiến thương mại toàn cầu, cộng với nguy cơ chính phủ dân túy ở Italy sẽ đưa đồng euro trở lại thời kỳ khủng hoảng, phần nào hạn chế sức bật của thị trường chứng khoán.