Cụ thể, sáng phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên mức 2.580,81 USD/ounce. Trước đó, vào phiên giao dịch cuối tuần ngày 13/9, giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục 2.585,99 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm nhẹ 0,1%, xuống còn 2.608,60 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,1% trong cùng ngày, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ những loại tiền tệ khác.
Tất cả sự chú ý đều đang đổ dồn vào cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này, khi những đồn đoán về quy mô và tốc độ cắt giảm lãi suất ngày càng gia tăng. Thị trường hiện đang đặt cược 52% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm sau cuộc họp kéo dài hai ngày 17 - 18/9, tăng từ tỷ lệ 43%. Trong khi khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 48%. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng - một loại tài sản không sinh lời.
Dữ liệu công bố cuối tuần trước cho thấy chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã tăng lên mức 69,0 trong tháng 9/2024, từ mức 67,9 trong tháng 8, phản ánh sự cải thiện trong tâm lý tiêu dùng khi lạm phát dịu bớt, mặc dù vẫn còn sự thận trọng trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Các nhà đầu tư trên thị trường vàng đang chốt lời khi giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục, và ngưỡng 3.000 USD/ounce đang được chú ý, nhờ sự nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn và cuộc đua vào Nhà Trắng đang diễn ra gay cấn.
Phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,8%, lên 30,89 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,2%, xuống còn 993,40 USD/ounce. Giá palladium giảm 0,3%, xuống mức 1.065,78 USD/ounce.
Tại Việt Nam, tại thời điểm 10 giờ 26 phút ngày 16/9, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 78,50 - 80,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.