Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.778,91 USD/ounce vào lúc 13 giờ 40 phút (theo giờ Việt Nam). Trước đó vào ngày 16/4, kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 25/2 là 1.783,55 USD/ounce.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn ổn định ở mức 1.780,10 USD/ounce.
Ông Michael McCarthy, trưởng chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới đầu tư CMC Markets cho biết sự kết hợp giữa một đồng USD yếu hơn và lãi suất thấp đang hỗ trợ cho giá vàng, dù triển vọng của nền kinh tế đang tỏ ra lạc quan hơn.
Chuyên gia trên nhận định thị trường vàng đang ở thời điểm rất quan trọng khi vừa vượt qua ngưỡng 1.765 USD/ounce. Khi giá vàng vẫn duy trì được trên ngưỡng đó, triển vọng của kim loại quý này trong ngắn hạn là tích cực.
Cũng trong chiều 19/4, chỉ số USD - thước đo sức khỏe của động bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - đang suy yếu xuống gần mức thấp nhất trong một tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần, qua đó giúp giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn là tài sản không lãi suất.
Trong một lưu ý mới nhất gửi tới khách hàng, các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết lạm phát của Mỹ được kỳ vọng sẽ trên 2,5% trong bối cảnh giá hàng hóa tăng vọt. Điều này kết hợp với lập trường ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về chính sách tiền tệ đang tạo nền tảng hỗ trợ cho giá vàng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,4% xuống 25,85 USD/ounce trong khi giá bạch kim tiến 0,8% lên 1.211,98 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 15 giờ 40 chiều 19/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,47 - 55,84 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá dầu châu Á chiều 19/4 đi xuống do lo ngại về nhu cầu năng lượng
Giá dầu châu Á đi xuống trong chiều 19/4, do số ca mắc COVID-19 gia tăng nhiều nước làm dấy lên lo ngại rằng các biện pháp ngăn chặn đại dịch sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế cùng với nhu cầu dầu thô.
Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 17 xu Mỹ (tương đương 0,3%) xuống 66,60 USD/thùng vào lúc 13 giờ 43 phút ngày 19/4. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng để mất 10 xu Mỹ (0,2%) xuống 63,03 USD/thùng. Cả hai loại dầu trên lần lượt tăng 6% và 6,4% trong tuần trước.
Công ty nghiên cứu thị trường ANZ Research cho biết trong một báo cáo rằng có thể dễ dàng nhận ra những tiến triển trong việc tiêm chủng ở các thị trường phát triển đã giúp hoạt động giao thông đường bộ tăng. Nhưng số ca mắc COVID-19 mới gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như Ấn Độ và Brazil, đã làm đảo ngược sự phục hồi này.
Ấn Độ đã báo cáo mức tăng kỷ lục về số ca mắc COVID-19 mới trong ngày thứ Hai là 273.810 người, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên hơn 15 triệu. Số người tử vong vì COVID-19 ở Ấn Độ cũng tăng kỷ lục 1.619 người lên tổng cộng gần 180.000 người. Hiện Ấn Độ là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ với 31 triệu ca.
Giữa bối cảnh đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tạm dừng các chuyến bay từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines từ ngày 20/4 để hạn chế các ca lây nhiễm nhập cảnh.
Tại Nhật Bản, các công ty lo ngại về một đợt lây nhiễm COVID-19 thứ tư. Nhiều doanh nghiệp nước này đang chuẩn bị chống chịu với những tác động kinh tế to lớn hơn nữa từ đại dịch. Bên cạnh đó, số liệu thống kê chính thức cho thấy nhập khẩu dầu của Nhật Bản trong tháng 3/2021 đã giảm 17% so với cùng kỳ một năm trước đó xuống 2,5 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, tại Mỹ, số giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên đã tăng tuần thứ năm liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021. Điều này là nhờ giá dầu tăng cao hơn trong năm nay đã khuyến khích các nhà khai thác quay trở lại giếng khoan của mình.