Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 1,2%, xuống 1.928,53 USD/ounce vào lúc 15 giờ 16 phút (giờ Việt Nam), sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 3/3 là 1.924,56 USD/ounce trước đó cùng phiên. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng mất tới 1,5%, xuống 1.931,40 USD/ounce.
Ông Dominic Schnider, người đứng đầu bộ phận hàng hóa và ngoại hối tại Công ty quản lý đầu tư UBS Wealth Management, nhận định: Thị trường hiện đã ít lo ngại hơn về tình hình ở Ukraine; chính tâm lý đó đã làm giảm lực hỗ trợ cho các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Các phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức vòng đàm phán thứ 4 vào ngày 14/3, nhưng chưa công bố bất cứ tiến triển mới nào. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục vào ngày 15/3 (theo giờ địa phương).
Còn nhà phân tích cấp cao của Công ty môi giới đầu tư OANDA, ông Jeffrey Halley, cho biết, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới giá vàng là thị trường dường như phản ứng muộn hơn trước những tác động tiềm tàng từ quyết sách của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tại cuộc họp tuần này. Ngoài ra, sự gia tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng không giúp ích gì cho vàng.
Phiên này, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai năm rưỡi - trước khi Fed dự kiến tăng lãi suất đầu tiên trong ba năm trong cuộc họp hai ngày (kết thúc vào 16/3).
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD và lợi suất trái phiếu mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 1,3% xuống 24,70 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,2% xuống 1.017,77 USD/ounce.
Tại Việt Nam, cuối ngày 15/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,40 - 68,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).