Trong khi đó, hy vọng về việc cải thiện quá trình đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào các tài sản rủi ro, qua đó tạo áp lực giảm đối với giá vàng.
Trong phiên chiều 14/3, giá vàng giao ngay giảm 0,5%, xuống 1.975,90 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ mất 0,3%, xuống 1.979,90 USD/ounce.
Giá vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời. Lãi suất cao hơn, nhằm mục đích kiềm chế lạm phát, cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất gần một tháng do Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách diễn ra vào hai ngày cuối tuần này.
Michael Langford, Giám đốc công ty cố vấn AirGuide (Mỹ), dự báo nếu loại trừ mọi biến cố khó lường trước trong căng thẳng Nga-Ukraine, giá vàng sẽ ổn định ở mức 1.900 USD/ounce trong những tuần tới.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu đã tăng khi các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine đang được đẩy mạnh vào ngày 14/3, khi các nhà đàm phán Ukraine và Nga đang chuẩn bị đàm phán lại.
Đáng chú ý, giá palladium, kim loại được các nhà sản xuất ô tô sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác để hạn chế khí thải, đã giảm 4,5% trong phiên này, xuống 2.688,93 USD/ounce. Giá kim loại này đã đạt mức cao kỷ lục 3.440,76 USD/ounce vào tuần trước, do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu Nga.
Giá bạc giao ngay hạ 0,6%, xuống 25,64 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim mất 2,4%, xuống 1.053,92 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 17 giờ 04 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,70 - 69,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).