Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn hướng đến tuần tăng thứ hai liên tiếp sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến triển nào.
Vào lúc 13 giờ 15 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.984,91 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng trong phiên 10/3, sau số liệu cho thấy tỷ lệ lạm phát tại Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 40 năm, củng cố đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào tuần tới.
Số liệu mới nhất của Mỹ mới công bố hôm 10/3 cho thấy giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 2/2022 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2021, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 40 năm qua. Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Fed sẽ nâng mục tiêu lãi suất lên mức từ 1,75% đến 2% vào cuối năm nay, cao hơn 0,25 điểm phần trăm so với dự kiến của họ vào tuần trước.
Trong một động thái gây bất ngờ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 10/3 đã đẩy nhanh việc kết thúc một trong những chương trình mua trái phiếu thời đại dịch quan trọng nhất của mình. Đồng thời, ngân hàng này cũng “mở đường” cho khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Vàng thường tỏ ra nhạy cảm với các đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, giá kim loại quý này vẫn được hưởng lợi nhờ tình hình căng thẳng tại Ukraine. Ngày 10/3, cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc không đạt tiến triển về vấn đề hành lang nhân đạo. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng hai nước kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine. Cuộc gặp có sự tham dự của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Các nhà đầu tư đã đổ xô vào các tài sản an toàn trước cuộc khủng hoảng Ukraine và thúc đẩy một đợt tăng giá của vàng, vốn đã tăng 8,5% trong hai tuần qua và tiến gần đến mức kỷ lục ghi nhận vào tháng 8/2020.
Tại Việt Nam, chiều 11/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,20 – 70,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).