Chiều phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,5%, xuống 1.797,19 USD/ounce, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 16/5 là 1.794,62 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ mất 0,5%, xuống 1.798,60 USD/ounce.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho biết, giá vàng giao ngay đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.801 USD/ounce và có thể dẫn đến đà giảm xuống 1.784 USD/ounce.
Kết thúc quý II/2022, giá vàng chứng kiến quý giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2021 và mặt hàng này đã mất khoảng 1,6% trong tuần này.
Stephen Innes, đối tác quản lý của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sỹ), cho biết giá vàng đã bắt đầu đi xuống từ siêu chu kỳ giảm phát hàng hóa do các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đồng USD vẫn mạnh, bất chấp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ hạ thấp.
Đồng bạc xanh mạnh, hướng tới các “đỉnh” cao trong hai thập kỷ vừa qua, tiếp tục khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/6.
Dữ liệu mới của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, tốc độ tăng lạm phát của Mỹ đã giảm nhẹ trong tháng 5/2022 sau khi đạt mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua, có thể khiến Fed tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất mạnh vào tháng tới.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 1,3%, xuống 19,98 USD/ounce và giảm khoảng 5,4% trong tuần này, mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng Năm. Giá bạch kim giảm 0,1% xuống còn 893,31 USD/ounce và đối mặt với mức giảm tuần thứ tư liên tiếp. Giá palladium giảm 0,9%, xuống 1.920,65 USD/ounce, nhưng đã tăng khoảng 2,2% trong tuần này.
Cuối phiên 1/7, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,15 - 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).