Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.952,17 USD/ounce, không biến động đáng kể so với phiên trước đó. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,3%, lên 1.953,90 USD/ounce.
Michael McCarthy, Giám đốc chiến lược tại công ty môi giới Tiger Brokers, có trụ sở tại Australia, nói: “Triển vọng đối với vàng đang giảm đi khi lợi suất trái phiếu tăng cao. Tuy nhiên, cho tới khi giá vàng phá vỡ khoảng giao dịch từ 1.930 USD/ounce tới dưới 2.000 USD/ounce một cách thuyết phục, vẫn không có nhiều thông tin giúp định hướng thị trường này”.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã mở rộng mức tăng khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thái độ “cứng rắn” hơn về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, củng cố quan điểm rằng Fed sẽ tăng lãi suất một cách mạnh mẽ nhằm chống lại lạm phát tăng cao.
Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất ngắn hạn của Mỹ cũng như đà tăng của lợi suất trái phiếu, điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Đồng USD mạnh hơn cũng có thể gây áp lực lên vàng, trong khi mặt khác, sự bất ổn địa chính trị vẫn là một nhân tố hỗ trợ kim loại quý này, và giá vàng đang bị bị “mắc kẹt” ở giữa hai xu hướng mâu thuẫn đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, vàng đã giảm khoảng 1,2% trong tuần này. Giá đã tăng lên sát mốc quan trọng 2.000 USD/ounce vào ngày 18/4, do nhu cầu tìm kênh đầu tư “trú ẩn an toàn” cao hơn và sự gia tăng lo ngại về lạm phát, nhưng sau đó mặt hàng này đã quay trở lại mức thấp nhất trong hai tuần.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 0,4%, xuống 24,54 USD/ounce. Giá bạch kim lại tăng 0,1%, lên 968,79 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý này đều ghi nhận tuần đi xuống Trong khi đó, giá palladium tăng 0,4%, lên 2.430,95 USD/ounce.
Chiều 22/4, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 69,80- 70,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).