Có thể thấy, sau chuỗi 6 phiên liên tiếp giảm điểm, VN-Index bị "thổi bay" gần 155 điểm. Tuy nhiên, mở cửa phiên sáng ngày 22/4 với tâm lý thị trường tương đối tích cực, thị trường chứng khoán đã xanh mát trở lại như “sau cơn mưa, trời lại sáng”. Điều này đã giúp nhiều nhà đầu tư sau sự “mất mát, đau thương” đã lấy lại bình tĩnh mua vào bắt đáy nhằm “cắt lỗ”.
Lực cầu bắt đáy thắng thế đã giúp sắc xanh bao trùm lên hầu khắp các nhóm cổ phiếu, qua đó giúp đà tăng của thị trường ngày càng được nới rộng. Theo đó, ngay những phút đầu tiên trong rổ VN30 đã có 27 mã tăng, 2 mã giảm và 1 mã đứng giá. VN-Index nhờ vậy đã có lúc tăng hơn 20 điểm. Dẫn đầu đà tăng trong rổ VN30 là GVR khi tăng khá tốt ở mức gần 4%; theo sau là các mã STB, POW, ACB và VPB. Ở chiều ngược lại, PDR và SAB cùng giảm nhẹ xuống dưới mức tham chiếu.
Đáng chú ý, nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán hầu hết đều tăng điểm, nhất là nhóm ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng giúp thị trường hồi phục mạnh. Trong đó, phải kể đến các mã cổ phiếu VCB tăng mạnh, đóng góp nhiều nhất cho đà tăng chỉ số với gần 3 điểm. Theo sau là VPB và TCB khi đóng góp lần lượt gần 1,6 điểm và gần 1 điểm cho thị trường.
Bên cạnh đó, các bluechips như VHM, GVR, GAS, VIC diễn biến khởi sắc giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên hưng phấn hơn. Bất ngờ hơn là nhóm cổ phiếu "họ FLC" hầu hết bật tăng gần hết biên độ như FLC, ROS, HAI…
Ngoài ra, các cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng như HHV, IDJ, CII, NBB, LDG, KBC, TDC, HUT, KDH, LCG, DXG, NLG, VCG, DIG, HQC... đồng loạt ghi nhận sắc xanh. Tương tự, cổ phiếu chứng khoán như CTS, BSI, SBS, SHS, VCI, VDS, MBS, VND, FTS, HCM, SSI... đều đang tăng điểm tốt.
Ngược lại, nhóm chế biến thủy sản hạ nhiệt sau thời gian tăng mạnh như ANV giảm hơn 3%, IDI giảm hơn 5%, FMC giảm hơn 1%... Bên cạnh đó, nhóm "gia đình Louis" vẫn giảm sàn hàng loạt như BII, TGG, AGM, SMT, VKC.
Tuy nhiên, về cuối phiên, thị trường có phần hạ nhiệt. Chốt phiên sáng ngày 22/4, toàn thị trường có khoảng 414 mã giảm giá với hơn 100 mã giảm sàn; 658 mã đứng giá và trên 550 mã tăng giá. VN-Index tăng nhẹ hơn 6,7 điểm và xoay quanh mức 1.377 điểm; trong khi đó, HNX-Index giảm nhẹ gần 1 điểm và đứng ở mức gần 366 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 568 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch khoảng 13.022 tỷ đồng.
Nhận định trong phiên giao dịch ngày 22/4, CTCK KB (KBSV)cho rằng, lực cầu bắt đáy quanh vùng hỗ trợ yếu 145x sẽ giúp làm giảm đà rơi của chỉ số, đồng thời khiến cho trạng thái của thị trường trở nên bớt tiêu cực hơn. Mặc dù vậy, thanh khoản gia tăng trong các nhịp sụt giảm phá đáy để ngỏ rủi ro tiếp tục mở rộng điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ sâu hơn. Theo đó, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng tỷ trọng trở lại nếu về vùng hỗ trợ sâu.
Còn theo CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nếu xét trên góc độ kỹ thuật thì xu hướng của VN-Index hiện đã suy yếu đáng kể so với thời gian trước đó và hiện tại chỉ còn một ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trọng nữa là 1.350 điểm, nếu đánh mất ngưỡng này thì chỉ số VN-Index sẽ bước vào sóng điều chỉnh với target 1.200 điểm.
Tuy nhiên, nếu xét trên khía cạnh định giá thì P/E của VN-Index sau phiên 21/4 là khoảng 16 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, P/E của VN30 chỉ có 15,1 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm. Với mức định giá như trên, SHS cho rằng khả năng thị trường giảm mạnh là khó có thể xảy ra trong phiên giao dịch cuối tuần 22/4. Theo đó, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ 1.350 điểm được giữ vững.