Năng lượng và kim loại cơ bản là hai nhóm mặt hàng đóng góp quan trọng vào đà hồi phục chung của chỉ số hàng hóa MXV- Index khi toàn bộ các mặt hàng trong nhóm đồng loạt đóng cửa tăng giá.
Giá kim loại cơ bản khởi sắc
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá niken giao dịch trên Sở LME dẫn đầu đà hồi phục khi đảo chiều tăng 5,77% lên 21.952 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá đồng và quặng sắt phục hồi trong sắc xanh nhờ đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index giảm về 103,34 điểm và triển vọng tiêu thụ tích cực tại Trung Quốc. Cụ thể, giá đồng COMEX tăng 2,11% lên 3,83 USD/pound, mức giá cao nhất trong hơn 1 tháng. Giá quặng sắt tăng 2,56%, chốt phiên tại mức 111,66 USD/tấn.
Vào sáng hôm qua (13/6), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giảm tỷ lệ mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày xuống còn 1,9%, từ mức 2%. Động thái này tiếp tục cho thấy nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc tăng cường hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hơn nữa, theo các nhà nghiên cứu kinh tế, quyết định giảm lãi suất có thể được coi là tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn (MLF) vào ngày 15/6.
Thêm vào tâm lý lạc quan, một báo cáo của Bloomberg News cho biết, Trung Quốc đang xem xét hàng chục biện pháp kích thích để hỗ trợ các lĩnh vực như bất động sản và chi tiêu tiêu dùng.
Những động thái này làm gia tăng kỳ vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể có sớm phục hồi, đồng thời thúc đẩy triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp quan trọng, đặc biệt là các nguyên liệu đầu vào chủ chốt như đồng và quặng sắt.
Một diễn biến tích cực khác, báo cáo lạm phát được Mỹ công bố hôm qua đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư về một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ tăng 4% trên cơ sở hàng năm, là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 03/2021 và thấp hơn so với dự báo tăng 4,1% của các chuyên gia kinh tế, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ. Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI tăng 0,1% trong tháng 5, giảm từ mức tăng 0,4% hồi tháng 4 và thấp hơn so với dự báo tăng 0,2%. Fed tạm ngừng tăng lãi suất đồng nghĩa với dư địa tăng của đồng USD không còn nhiều, đồng thời, chi phí mua hàng hóa nói chung và kim loại cơ bản nói riêng trở nên bớt đắt đỏ hơn. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá kim loại cơ bản trong ngày hôm qua.
Yếu tố cung cầu kết hợp vĩ mô hỗ trợ giá dầu phục hồi hơn 3%
Giá dầu đã lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ trong phiên giao dịch ngày 13/06 sau khi lao dốc vào ngày đầu tuần. Báo cáo của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 6 cho thấy góc nhìn về nguồn cung thâm hụt trong nửa cuối năm đã hỗ trợ đáng kể cho giá dầu. Bên cạnh đó, tương tự như các mặt hàng kim loại cơ bản, tình hình lạm phát tích cực tại Mỹ và một vài tín hiệu thúc đẩy tăng trưởng khả quan của Trung Quốc cũng góp phần vào đà tăng của giá.
Kết phiên, giá dầu WTI tăng mạnh 3,43% lên mức 69,42 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên ở mức 74,29 USD/thùng, sau khi tăng 3,41%, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp.
Theo báo cáo thị trường dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng dầu thô của nhóm trong tháng 5 đạt trung bình trên 28 triệu thùng, giảm mạnh 464.000 thùng/ngày so với tháng 4, sau khi Saudi Arabia thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện. Sản lượng của quốc gia thủ lĩnh nhóm đã giảm hơn 500.000 thùng/ngày, đúng với cam kết đặt ra. Lo ngại tình trạng nguồn cung bị thu hẹp trong nửa cuối năm đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu thô.
Mặt khác, tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 đã được điều chỉnh tăng nhẹ 20.000 thùng lên mức 2,35 triệu thùng/ngày. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc trong năm nay được dự báo sẽ tăng thêm 840.000 thùng/ngày, cao hơn 40.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 5.
So với đánh giá trước đó, sản lượng các nước ngoài OPEC được điều chỉnh giảm trong nửa cuối năm đã đẩy nhu cầu thị trường đối với dầu thô của OPEC tăng mạnh. Đặc biệt, nhu cầu dầu thô từ OPEC trong quý IV/2023 được dự báo sẽ tăng lên 30,59 triệu thùng/ngày, cao hơn 210.000 thùng so với báo cáo tháng 5.
Ngoài ra, theo tính toán từ Reuters, xuất khẩu sản phẩm dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga trong tháng 5 đã giảm 14,7% so với tháng trước xuống còn 10,03 triệu tấn do hoạt động bảo trì nhà máy lọc dầu theo mùa cao điểm và nhu cầu nội địa tăng cao.
Rạng sáng nay (14/6) theo giờ Việt Nam, Báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 09/06 tăng 1 triệu thùng, trái với dự đoán giảm, trong khi tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng. Theo MXV, đây có thể sẽ là yếu tố gây sức ép nhẹ tới giá dầu trong phiên sáng.
Động lực hồi phục rõ nét, tuy nhiên rủi ro giá giảm vẫn tiềm ẩn đối với thị trường dầu
MXV nhận định, sản lượng dầu thô từ các quốc gia OPEC giảm trong tháng 5, đặc biệt là mức độ tuân thủ cắt giảm chặt chẽ của thủ lĩnh nhóm Saudi Arabia là bằng chứng cho thấy quốc gia này có thể sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7 như kế hoạch.
Nếu như báo cáo thị trường năng lượng tháng 6 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) phát hành vào chiều nay cho thấy góc nhìn tương tự về tình hình thâm hụt nguồn cung trong các tháng tới, giá dầu sẽ tiếp tục đà phục hồi.
Mặt khác, xu hướng của giá dầu trong giai đoạn nửa cuối năm vẫn sẽ phụ thuộc vào bài toán nhu cầu tại các nước lớn nhiều hơn. Với động thái mới nhất từ Trung Quốc thông qua việc cắt giảm lãi suất ngắn hạn, và đang xem xét thêm các gói kích thích tăng trưởng lĩnh vực bất động sản, kỳ vọng tiêu thụ nhiên liệu khả quan hơn sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho giá dầu. Ngược lại, nếu đà phục hồi kinh tế tiếp tục tiêu cực, bất chấp nguồn cung có dấu hiệu thu hẹp, giá dầu vẫn sẽ khó tăng mạnh.
Về phía nền kinh tế Mỹ, kỳ vọng Fed tạm dừng tăng lãi suất sẽ mang lại tâm lý tích cực trên thị trường dầu thô trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với việc lãi suất duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2008, các sức ép đối với nền kinh tế là khó tránh khỏi, và rủi ro giá dầu giảm vẫn còn tiềm ẩn.