Chỉ số MXV-Index của toàn bộ 4 nhóm nguyên liệu lao dốc và do đó, kéo theo chỉ số MXV-Index chung của toàn sở có tuần giảm thứ 2 liên tiếp sau khi đánh mất 4,67% xuống mức 2775.91 điểm. Giá trị giao dịch suy yếu gần 23% so với tuần trước đó chủ yếu do một số mặt hàng nghỉ giao dịch trong phiên đầu tuần.
Nhóm nguyên liệu công nghiệp dẫn đầu đà giảm trong tuần giao dịch vừa qua, chủ yếu là do sự sụt giảm trong giá bông và dầu cọ. Tiếp đến là nhóm nông sản và kim loại cũng đã trải qua một tuần suy yếu mạnh trong bối cảnh toàn cầu lo ngại về sự rình rập của một cuộc suy thoái kinh tế.
Giá bông suy yếu trước lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ
Bất chấp việc đồng Dollar có sự điều chỉnh sau 3 tuần tăng mạnh liên tiếp, lực bán vẫn duy trì với hầu hết các mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó đáng chú ý nhất là mức giảm rất mạnh của giá bông và dầu cọ thô.
Ngày 21/06, Cục Hải quan và biên phòng Mỹ bắt đầu thực thi "Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ" mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật vào tháng 12 năm ngoái. Theo đó, luật này giả định tất cả hàng hóa từ Tân Cương đều được sản xuất bằng lực lượng lao động cưỡng bức và do đó bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Hải quan Mỹ cũng cho biết hàng nhập khẩu từ các nước khác sẽ bị cấm nếu chuỗi cung ứng liên quan sử dụng các thành phần đầu vào bị cấm từ Tân Cương.
Điều này đã làm dấy lên lo ngại về những đòn đáp trả trong tương lai của Trung Quốc và kéo theo sự sụt giảm của giá bông. Với mức giảm lên đến hơn 17% chỉ trong 1 tuần vừa rồi, đây là tuần suy yếu mạnh nhất của giá bông kể từ tháng 06/2011 đến nay.
Theo ngay sát diễn biến của giá bông là mức giảm lên đến gần 15% của giá dầu cọ Malaysia, đẩy giá về mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Kể từ khi lệnh cấm được dỡ bỏ, nước này đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dầu cọ. Mới đây nhất, chủ tịch nhóm nông dân nhỏ của Indonesia (APKASINDO) đã yêu cầu chính phủ nước này hủy bỏ chương trình Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO) cũng như các quy định về thuế và giấy phép xuất khẩu dầu cọ.
Kim loại cơ bản hướng tới quý tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng năm 2008
Đối với nhóm kim loại, các mặt hàng đã trải qua một tuần tồi tệ khi khi đồng loạt lao dốc trước lo ngại về suy thoái kinh tế rình rập trong tương lai. Nhóm kim loại quý vẫn cho thấy sự hoạt động yếu kém trước mối lo nền kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ ngăn cản nhu cầu sử dụng bạc và bạch kim trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Đồng Dollar duy trì quanh mức cao nhất trong vòng 2 thập kỷ và mạnh hơn các đồng tiền thương mại khác, tiếp tục làm suy yếu vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim.
Đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua là thị trường kim loại cơ bản, đặc biệt là tuần lao dốc thứ 3 liên tiếp của đồng COMEX đã đưa giá đồng xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng và đóng cửa sau khi đánh mất 6,8% xuống 3,74 USD/pound (8.246,38 USD/tấn). Năng lực sản xuất tại các nền kinh tế đầu tàu cho thấy dấu hiệu chững lại khi doanh nghiệp đối diện với chi phí vay gia tăng. Chỉ số PMI tháng 6 của Mỹ đạt mức 52,4 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 năm nay.
Việc Fed tăng lãi suất gây ra tâm lý bán tháo kim loại cơ bản do lo sợ về khả năng chấm dứt sự bùng nổ nhu cầu trong các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất xe hơi và hàng hóa lâu bền. Thiếc LME cũng đã lao dốc 21% trong tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1980, giảm hơn một nửa so với mức đỉnh hồi tháng 3.
Giá quặng sắt tiếp tục tuần suy yếu thứ 3 khi đối mặt với sức tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc. Nhiều nhà máy thép đã ngừng hoạt động và mức tồn kho tại các nhà máy thép lớn tăng 10,7% vào giữa tháng 6 so với đầu tháng và cao hơn khoảng 82% so với đầu năm nay, liên tục tạo sức ép đối với giá sắt thép.
Giá ngô và lúa mì chịu sức ép trước triển vọng mùa vụ
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, ngô đã sụt giảm hơn 4% sau hai tuần liên tiếp tăng giá. Triển vọng khá tích cực về mùa vụ tại Brazil là yếu tố chính đã gây sức ép lên giá trong tuần trước.
Điều kiện thời tiết khô ráo tại các khu vực trồng ngô vụ 2 chính của Brazil đã tạo hỗ trợ nông dân nước này có thể đẩy mạnh hoạt động thu hoạch. Theo số liệu mới nhất từ hãng tư vấn Pátria AgroNegócios, tiến độ thu hoạch ngô vụ 2 hiện đã đạt 14,72% diện tích dự kiến, gấp đôi so với mức trung bình lịch sử và vượt xa so với mức 2,82% của cùng kỳ năm ngoái. Điều này đã đảm bảo về nguồn cung sản lượng và gây ra sức ép đối với giá ngô.
Tương tự ngô, lúa mì cũng đã suy yếu với mức sụt giảm hơn 10% trong tuần trước. Những thông tin tích cực về tình hình nguồn cung là yếu tố đã tạo áp lực lên giá. Tại Nga, hãng tư vấn nông nghiệp SovEcon tiếp tục tăng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 22/23 của nước này thêm 0,6 triệu tấn, lên mức kỷ lục mới 89,2 triệu tấn, trong bối cảnh triển vọng lúa mì vụ xuân được cải thiện. Cũng theo SovEcon, vụ lúa mì xuân bội thu sẽ bù đắp hoàn toàn thiệt hại của lúa mì vụ đông.
Đối với mặt hàng đậu tương, giá đậu tương tiếp tục giảm mạnh hơn 5% theo đà suy yếu từ tuần trước đó và chạm mức kháng cự của khoảng đi ngang kéo dài từ cuối tháng 2 cho tới nay. Tuy nhiên, đà giảm đã bị thu hẹp dần khi giá tiến sát vùng hỗ trợ tâm lý ở quanh mốc 1600 cents. Khô đậu tương cũng đóng cửa tuần giao dịch vừa qua trong sắc đỏ. Indonesia cho biết dịch bệnh tại quốc gia này đã bắt đầu lan rộng ra 19 tỉnh thành với số lượng lên tới 232.549 con trong tuần này, từ mức 20.000 con trong tháng trước đó. Thông tin trên cho thấy dịch bệnh tại Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết triệt để, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khô đậu từ quốc gia nhập khẩu số 2 thế giới này.
Sự suy yếu của giá dầu thô cùng với những chính sách nới lỏng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia cũng khiến cho giá dầu đậu tương giảm mạnh hơn 5%. Theo đó, kể từ khi biên giới được mở cửa trở lại, các lao động đầu tiên từ Indonesia sẽ bắt đầu nhập cảnh vào Malaysia, giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt công nhân trong các đồn điền dầu cọ của nước này và gây sức ép tới giá dầu đậu.
Tại thị trường nội địa, giá heo hơi trên toàn quốc tăng 1.000 VND/kg và dao động trong khoảng 51.000 – 61.000 VND/kg. Nguyên nhân khiến cho giá heo vượt mốc 60.000 VND/kg là do chi phí cho thức ăn chăn nuôi gia tăng trên thị trường nội địa trước sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn về yếu tố chất lượng.