Tính chất giao dịch hai chiều và nhà đầu tư vẫn có thể kiếm được lợi nhuận ngay cả khi giá giảm đã giúp giá trị giao dịch toàn Sở tăng thêm 4,45% lên hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền vẫn đang tập trung nhiều nhất ở hai nhóm nông sản và năng lượng, chiếm gần 80% tổng giá trị giao dịch.
Giá dầu chịu sức ép từ các nhà hoạch định chính sách
Dầu thô nối dài đà giảm trong bối cảnh các nhà giao dịch tiếp tục lo ngại về việc nhu cầu tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng do nguy cơ suy thoái kinh tế. Kết thúc phiên 23/06, hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 giảm 1,81% về 104,27 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent cùng kỳ hạn cũng đóng cửa thấp hơn 1,51% về 110,05 USD/thùng.
Giá dầu đang ở trong giai đoạn phản ứng rất mạnh với các tin tức xoay quanh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Fed, Jerome Powell cũng thường xuyên nhấn mạnh những cam kết sẽ kiềm chế lạm phát “vô điều kiện” và có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Trong hôm qua, báo cáo dầu khí hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) chưa được công bố do các vấn đề về hệ thống. Vì thế, các nhà giao dịch phản ứng dựa trên các số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API, và việc tồn kho dầu thô tăng mạnh 5,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/06 đã trực tiếp khiến cho sức ép bán gia tăng trên thị trường.
Các nhà giao dịch cũng trở nên bận tâm hơn về “điểm phá huỷ nhu cầu”, khi mà không chỉ Fed mà Chính quyền Tổng thống Biden cũng rất quyết tâm trong việc hạ nhiệt giá năng lượng. Các cuộc đàm phán giữa Bộ Năng lượng và các nhà sản xuất dầu lớn nhất ở Mỹ vẫn đang diễn ra, và mặc dù vẫn chưa đi đến một thỏa thuận nào, nhưng đây cũng là một nỗ lực của Nhà Trắng trong việc hạn chế đà tăng của giá nhiên liệu tại Mỹ.
Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình tại nước này đã giảm khoảng 10 cents so với mức đỉnh về 4,95 USD/gallon (3,79 lít), tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng giá xăng vẫn còn dư địa để tăng mạnh hơn trong thời gian tiêu thụ cao điểm của Mỹ.
Ngoài ra, trong bối cảnh mà đồng USD tăng vọt vì các chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed, cộng với những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư cũng có xu hướng sẽ cắt giảm tỷ trọng đối với các loại tài sản rủi ro, nên sức mua trên thị trường cũng giảm rất nhiều, thay vào đó là áp lực bán gia tăng khiến cho giá dầu có nguy cơ ngày càng tiến gần về mốc 100 USD.
Triển vọng nguồn cung nới lỏng gây áp lực lên giá nông sản
Triển vọng về vụ mùa ngô tại Mỹ và Ukraine, hai nước xuất khẩu lớn trên thế giới, đã dập tắt những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn của thị trường và khiến giá ngô quay trở lại đà giảm mạnh.
Theo dự báo thời tiết mới nhất tại Mỹ, sẽ có mưa tại những khu vực gieo trồng ngô chính tại Midwest, ngay khi cây trồng bước vào quá trình thụ phấn, giai đoạn quyết định năng suất của ngô, là điều kiện thuận lợi cho vụ mùa và gây sức ép lên giá ngô Mỹ. Trong khi đó, tại Ukraine, hãng tư vấn APK-Inform dự báo Ukraine có thể xuất khẩu đến 25,7 triệu tấn ngô trong năm 2022, cao hơn rất nhiều so với mức 9 triệu tấn ước tính của USDA. Nguồn cung từ quốc gia trên Biển Đen này được nới lỏng, bất chấp tình hình chiến sự đang diễn ra căng thẳng, đã khiến giá ngô giảm trong phiên.
Đối với lúa mì, giá tiếp tục suy yếu sau khi đà giảm bị chững lại ở phiên hôm trước. Tại Nga, Interfax dẫn lời nguồn tin nội bộ cho biết, chính quyền nước này đang thảo luận về việc dần chuyển sang thu thuế xuất khẩu ngũ cốc bằng đồng Rúp thay cho đồng Đô-la Mỹ nhằm giảm thuế và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lúa mì. Những thông tin trên mở ra triển vọng nguồn cung lúa mì từ Nga sẽ được nới lỏng trong thời gian tới và đã tạo áp lực cho giá lúa mì.
Đối với đậu tương, đà giảm tiếp tục trong phiên thứ 4 liên tiếp và giá đậu tương ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 2 tới nay. Xu hướng giảm này chủ yếu xuất phát từ những dấu hiệu tích cực về nguồn cung tại Mỹ.
Theo dự báo thời tiết ở Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), dự báo lượng mưa tương đối lớn sẽ xuất hiện ở khu vực trung tâm Midwest trong cuối tuần này, đem lại độ ẩm cho đậu tương trong giai đoạn phát triển quan trọng nhất. Triển vọng năng suất mùa vụ Mỹ năm nay có thể sẽ được cải thiện so với ước tính vào đầu tháng của USDA đã tạo áp lực lên giá đậu tương.
Ngoài các yếu tố cơ bản về cung cầu của đậu tương, việc giá 2 thành phẩm lao dốc ngay từ khi bước vào đầu phiên cũng là yếu tố lý giải cho đà giảm hôm qua của mặt hàng này. Dầu đậu tương tiếp nối đà suy yếu với mức sụt giảm ngày càng lớn. Nguồn cung nới lỏng ở 2 quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới đã tạo áp lực lên giá nhóm dầu thực vật trong giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh đó, tồn kho tại Trung Quốc đang ở mức cao đã góp phần thúc đẩy lực bán đối với cả dầu và khô đậu tương. Mặc dù ngành chăn nuôi tại Trung Quốc đang có dấu hiệu hồi phục khi giá lợn cải thiện nhưng giai đoạn lockdown vừa qua vẫn khiến cho nguồn cung khô đậu nội địa đang ở mức cao. Cụ thể, tồn kho khô đậu tương tại Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần, lên mức 1,09 triệu tấn trong bối cảnh nhu cầu suy yếu. Điều này đã khiến cho giá khô đậu cũng giảm mạnh nhưng tác động trái chiều với dầu đậu đã giúp đà giảm đối với mặt hàng này dần được thu hẹp vào cuối phiên.
Tại thị trường nội địa, giá thịt heo hơi tăng giảm trái chiều tuỳ từng khu vực. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là mức tăng tương đối mạnh từ 1.000 – 4.000 đồng tại khu vực miền Bắc. Hiện nay, giá heo hơi trên thị trường dao động trong khoảng 51.000 – 61.000 VND/kg. Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng hạ nhiệt do nguồn cung nguyên liệu cải thiện, nhưng việc nguồn cung lợn từ miền Bắc bị siết chặt do kiểm dịch là yếu tố khiến giá lợn vượt mốc 60.000 VND/kg.