Thị trường gạo châu Á:
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này trước những triển vọng về số đơn hàng mới của Philippines, trong khi nhu cầu yếu hơn kéo giá gạo của Thái Lan giảm trong tuần thứ bảy liên tiếp.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần này đã tăng lên 485-490 USD/tấn, so với mức 470 USD/tấn trong tuần trước đó. Theo một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong thời gian gần đây khi các thương nhân mua gạo trước dự đoán về khả năng Chính phủ Philippines sẽ sớm đặt mua 300.000 tấn gạo của Việt Nam.
Tuy vậy, một thương nhân khác cho rằng nhu cầu yếu hơn đã khiến các hoạt động mua bán gạo tương đối “bình lặng” trong tuần này.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 9/2020 đã giảm 36,4% so với tháng 8/2020 xuống còn 385.429 tấn. Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 4,99 triệu tấn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm tuần thứ bảy liên tiếp, xuống mức 445-480 USD/tấn, từ mức 470-475 USD/tấn trong tuần trước đó.
Các thương nhân ở Bangkok (Thái Lan) cho rằng mức sụt giảm này chủ yếu do nhu cầu thấp kéo dài trong khi dự kiến thị trường gạo sẽ tiếp nhận nguồn cung mới vào cuối tháng Mười này.
Trong khi đó, nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ ghi nhận giá gạo đồ 5% trong tuần này vẫn ở mức 376-382 USD/tấn, thậm chí khi lượng mưa lớn ở các bang miền Nam Ấn Độ đã ảnh hưởng tới hoạt động canh tác.
Theo một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh ở miền Nam Ấn Độ, ở nhiều khu vực duyên hải, hoạt động canh tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời tiết không thuận lợi.
Thị trường nông sản kỳ hạn Mỹ:
Kết thúc phiên giao dịch 16/10, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô và đậu tương giảm, còn giá lúa mỳ tăng.
Giá ngô giao tháng 12/2020 giảm 1,75 xu Mỹ (tương đương 0,43%) xuống còn 4,02 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giao tháng 11/2020 giảm 12,25 xu Mỹ (1,15%) xuống còn 10,5 USD/bushel. Ngược lại, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 tăng 7 xu Mỹ (1,13%) lên 6,2525 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Theo công ty nghiên cứu AgResource, giá lúa mỳ tăng cao trong khi giá đậu tương giảm do Trung Quốc chưa “chốt” các đơn hàng mới. Trong khi đó, mưa lớn ở các khu vực trồng lúa mỳ ở Nga cũng đang hỗ trợ giá lúa mỳ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo 175.000 tấn đậu tương Mỹ đã được xuất khẩu cho một khách hàng không công bố danh tính, trong khi 128.000 tấn ngô Mỹ được xuất khẩu tới Mexico.
Trong tuần này, xuất khẩu đậu tương của Mỹ đạt 96,7 triệu bushel, xuất khẩu lúa mỳ đạt 19,4 triệu bushel và xuất khẩu đậu tương đạt 25,8 triệu bushel.
Trong khi đó, theo các dự đoán, Brazil sẽ cho phép nhập khẩu ngô và đậu tương mà không áp mức thuế quan 8% khi giá ngô và đậu tương ở nước này đã tăng lên các mức cao kỷ lục.
Thị trường cà phê và đường thế giới:
Giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 tại Brazil giảm 0,15 xu Mỹ (0,1%) xuống còn 1,0900 USD/lb (1 lb = 0,454 kg), nối tiếp đà giảm của phiên giao dịch trước đó.
Theo công ty dự báo thời tiết Maxar, khu vực trồng cà phê ở Brazil sẽ có mưa trong 6-10 ngày tới, qua đó làm giảm bớt những quan ngại về triển vọng sản lượng cà phê niên vụ 2020-2021 ở Brazil – nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới. Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 11/2020 giảm 11 USD (0,9%) xuống 1.222 USD/tấn.
Trong khi đó, giá đường thô tại Brazil tăng 0,10 xu Mỹ (0,7%) lên 13,94 xu Mỹ/lb, sau khi đã đạt mức cao nhất trong 7,5 tháng qua là 14,55 xu Mỹ/lb trong phiên giao dịch trước đó. Dự báo mưa kéo dài trong 6-10 ngày tới tại Brazil - một quốc gia sản xuất đường lớn trên thế giới - đã giảm bớt quan ngại về triển vọng sản lượng đường niên vụ 2020-2021.
Tuy nhiên, thị trường vẫn chịu ảnh hưởng từ hoạt động xuất khẩu đường từ Ấn Độ. Ấn Độ hiện chưa thông báo về mức trợ giá đối với đường xuất khẩu trong niên vụ hiện nay, khi các cuộc thảo luận về vấn đề này được hoãn tới tới đầu tháng 11/2020.