Ông Huỳnh Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Rạch Lợp cho biết, giá dừa khô tăng cao do hiện nay đang là thời điểm các cơ sở chế biến ngành hàng dừa tập trung sản xuất cho các hợp đồng cung ứng sản phẩm được ký kết trong năm 2021.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 3 đến nay thời tiết nắng nóng gay gắt, nên nhu cầu nguồn dừa tươi tăng cao đẩy giá dừa tươi lên đến 120.000 đồng/chục. Vì vậy, nhiều nhà vườn tranh thủ bán nguồn dừa tươi để có thu nhập nhiều hơn.
Ông Huỳnh Khắc Nhu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trà Bắc cho biết, hiện tại nhu cầu về nguồn nguyên liệu dừa khô để công ty chế sản xuất, chế biến than hoạt tính và các sản phẩm như: xơ dừa, thảm xơ dừa, cơm dừa sấy khô, nước cốt dừa cấp đông… rất lớn.
Trong khi đó, do ảnh hưởng hạn, mặn nên nguồn nguyên liệu dừa khô trong tỉnh và tỉnh Bến Tre từ năm 2020 đến nay bị giảm ước tính khoảng 40 % sản lượng so những năm trước.
Vì vậy, để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, Công ty cổ phần Trà Bắc phải mua nhập dừa trái từ Indonesia. Cụ thể năm 2020, công ty đã mua nhập dừa trái từ Indonesia hơn 3.700 tấn và hiện tại với số lượng hơn 500 tấn/tháng.
Tỉnh Trà Vinh hiện có tổng diện tích trồng dừa hơn 23.000 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long, với sản lượng cho trái gần 578.000 tấn/năm. Trồng dừa tuy lợi nhuận không cao so với một số cây ăn quả đặc sản, nhưng đầu ra sản phẩm dừa trái và tính hiệu quả kinh tế ổn định.
Vì vậy, tỉnh Trà Vinh khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng dừa, nhất là trồng dừa hữu cơ để tăng giá trị. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tổng diện tích vườn dừa lên khoảng 30.000 ha; trong này có 5.000 ha dừa hữu cơ được bố trí trồng tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và thành phố Trà Vinh.