Theo đó, giá dầu Brent giao tháng 7/2022 đã tăng 2,24 USD (tương đương 1,9%) lên mức 121,67 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn cũng tiến 1,99 USD (1,7%) lên 117,06 USD/thùng, kéo dài mức tăng vững chắc mà loại dầu này đạt được trong tuần trước.
Các nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định rằng yếu tố chính hỗ trợ đà tăng giá dầu trong phiên này là việc thành phố Thượng Hải của Trung Quốc sắp dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào hai ngày 30 - 31/5 (giờ địa phương) để thảo luận về gói trừng phạt thứ sáu đối với Nga liên quan tới xung đột tại Ukraine.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại công ty môi giới đầu tư TD Securities (Canada) cho biết EU đã đàm phán về điều này trong hơn một tháng qua, nhưng thị trường ngày càng định giá vào các biện pháp trừng phạt bổ sung như một rủi ro đối với giá dầu.
Các nước thành viên EU chưa đạt được đồng thuận về lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, mặc dù đã kéo dài các cuộc đàm phán vào phút chót trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, bản dự thảo kết luận hội nghị thượng đỉnh cho thấy các nhà lãnh đạo của 27 nước EU sẽ đồng ý theo nguyên tắc một lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, trong khi để lại các nội dung chi tiết cùng các quyết định cứng rắn.
Bất kỳ lệnh cấm vận mới nào đối với dầu của Nga sẽ khiến thị trường dầu thô vốn đã thắt chặt về nguồn cung thêm phần căng thẳng, giữa bối cảnh nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay tăng cao trước mùa cao điểm đi lại ở Mỹ và châu Âu.
Càng khiến thị trường thêm bất an là việc một số nguồn tin thân cận cho hay, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) bao gồm Nga sẽ từ chối lời kêu gọi của phương Tây về việc tăng sản lượng hơn nữa tại cuộc họp vào thứ Năm tuần này (2/6).