Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 2,3 USD (3,2%) lên 75,44 USD/thùng, sau khi tăng 4,6% trong phiên 6/12. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,56 USD (3,7%) lên 72,05 USD/thùng, sau khi tăng 4,9% trong phiên trước đó. Giá hai loại dầu chủ chốt này đã có lúc ghi nhận mức tăng hơn 3 USD/thùng trong phiên 7/12.
Giá dầu đã "lao dốc" trong tuần trước do lo ngại rằng các loại vaccine hiện nay ít có hiệu quả đối với biến thể Omicron, làm dấy lên lo ngại rằng các chính phủ có thể áp đặt các biện pháp hạn chế mới mà có thể làm giảm nhu cầu.
Tuy nhiên, một quan chức y tế Nam Phi cuối tuần trước báo cáo rằng các trường hợp mắc biến thể Omicron chỉ có các triệu chứng nhẹ, trong khi quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ Anthony Fauci cũng cho biết dường như biến thể mới không gây ra “mức độ quá nghiêm trọng” cho đến nay.
Gary Cunningham, giám đốc nghiên cứu thị trường tại công ty tư vấn quản lý năng lượng Tradition Energy (Mỹ), cho biết thị trường đã phản ứng quá mạnh trước biến thể Omicron, về khả năng lây lan của nó cũng như tác động của nó đối với các hạn chế đi lại. Hiện giờ thị trường đang quay trở lại với kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh trong hơn 6-12 tháng nữa.
Một dấu hiệu khác giúp củng cố niềm tin về nhu cầu dầu là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia đã tăng giá bán dầu thô hàng tháng hôm 5/12.
Tuần trước, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã nhất trí duy trì tăng sản lượng thêm khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 1/2022 bất chấp việc Mỹ “giải phỏng” dầu từ các kho dự trữ chiến lược.
Các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters (Anh) dự đoán lượng dầu thô trong các kho của Mỹ sẽ giảm trong tuần thứ hai liên tiếp. Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức về lượng dầu thô dự trữ quốc gia vào ngày 8/12.
Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ việc chậm trễ xuất khẩu dầu của Iran, trong bối cảnh cuộc đàm phán trực tuyến giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân đã vấp phải cản trở. Ngày 6/12, Đức đã kêu gọi Iran đưa ra các đề xuất thực tế trong cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân.