Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong tuần qua nhờ kỳ vọng nhu cầu mạnh

Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá hai loại dầu chủ chốt tăng giảm trái chiều trong khi chờ đợi kết quả cuộc họp về sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+.

Chú thích ảnh
Cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Tuần qua, tình hình dịch COVID-19 và đồn đoán xung quanh các cuộc thảo luận của OPEC+ về việc nới lỏng hơn nữa chương trình cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2021 là những yếu tố chính chi phối thị trường "vàng đen". Ngay trong phiên đầu tuần (28/6), giá dầu thế giới giảm 2% xuống mức thấp nhất một tuần giữa bối cảnh số ca lây nhiễm dịch COVID-19 tăng cao tại châu Á và châu Âu đã hạn chế đà tăng giá nhiên liệu.

Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên 29/6, khi các bình luận từ Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo khơi lại hy vọng về đà phục hồi nhu cầu năng lượng và xoa dịu nỗi lo về tình hình dịch COVID-19. Tại cuộc họp cùng ngày của Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp OPEC+, ông Barkindo đưa ra dự báo nhu cầu năng lượng trong năm 2021 dự kiến sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày, song ông cũng lưu ý yếu tố khó đoán định nhất trong hiện tại là biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang khiến số ca nhiễm mới tăng cao.

Đà tăng giá dầu nối dài sang phiên 30/6, khi thị trường phản ứng với thông tin lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm tuần thứ sáu liên tiếp, và một báo cáo của OPEC dự đoán thị trường dầu sẽ thiếu nguồn cung trong năm nay. Tháng 6/2021 cũng là tháng thứ bảy liên tiếp giá dầu đi lên trong tám tháng qua, với các mức tăng 10% cho dầu WTI và hơn 8% cho dầu Brent.

Trong phiên giao dịch 1/7, giá dầu thế giới tiếp tục đi lên, trước các dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất dầu mỏ có thể tăng sản lượng chậm hơn dự kiến trong những tháng tới. Giới quan sát đánh giá sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán của OPEC+ là bất thường và cho thấy những bất đồng giữa các nước thành viên về hạn ngạch khai thác bắt đầu từ tháng Tám. Trước đó, OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 0,4 triệu thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8-12/2021.

Sang ngày 2/7, các cuộc thảo luận của OPEC+ đã không đạt được đồng thuận và cuộc thương lượng được hoãn sang ngày 5/7.  Theo các nhà phân tích thuộc ngân hàng Deutsche, trở ngại trong các cuộc thảo luận của OPEC+ là "do Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đưa ra phản đối vào phút chót đối với thỏa thuận mà Nga và Saudi Arabia (A-rập Xê-út) đạt được trước đó cùng ngày".  

UAE, nước tăng năng lực khai thác từ năm 2018 khi các giới hạn sản lượng của từng nước đã được ấn định, đã yêu cầu được nâng hạn ngạch của mình thêm 0,6 triệu thùng/ngày lên 3,841 triệu thùng/ngày, do đó cho phép UAE đơn phương tăng sản lượng trong khuôn khổ hạn ngạch hiện tại.

Khép lại phiên giao dịch này, giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn tăng 33 xu Mỹ (0,4%) lên 76,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 7 xu Mỹ (0,1%) xuống 75,16 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng, với giá dầu Brent tiến thêm 1,1% và dầu WTI tăng 1,5% so với tuần trước.

Các nhà quan sát dường như không lạc quan về khả năng OPEC+ có thể đạt được một thỏa thuận tại cuộc họp lần này. Eugen Weinberg, nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng Commerzbank, cho biết UAE đã phàn nàn về vai trò của nước này trong OPEC và thậm chí cảnh báo sẽ rời khỏi tổ chức này vào cuộc họp tháng 12 năm ngoái. 

Nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận và tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế sản lượng hiện nay, giá dầu sẽ được hưởng lợi. Theo Robert Yawger, giám đốc phụ trách mảng giao dịch năng lượng tại công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư Mizuho Securities (Nhật Bản), nếu OPEC+ kết thúc cuộc họp này mà không có thỏa thuận nào, giá dầu WTI có thể vượt ngưỡng 76,9 USD/thùng - mức cao nhất trong 7 năm.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến phản ứng của các quốc gia mong muốn thúc đẩy sản lượng để tận dụng thời điểm giá dầu cao hiện nay. Nếu đàm phán bế tắc khiến các nhà sản xuất dầu không đảm bảo việc tuân thủ thỏa thuận hạn chế sản xuất, giá dầu có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Chuyên gia Weinberg chỉ ra rằng, hình ảnh của OPEC+ như một đối tác thương mại đáng tin cậy có thể bị suy giảm nếu xảy ra bất đồng trong khối, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến giá dầu trong trung hạn.

Trong khi đó, một số nhà giao dịch trên thị trường vẫn tỏ ra hoài nghi về dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. dự báo nhu cầu dầu có phần lạc quan của OPEC không tính đến khả năng gia tăng nguồn cung từ Iran, sự lan rộng của biến thể Delta và nhu cầu sử dụng xăng theo mùa của Mỹ.

Sự bùng phát của biến thể Delta đang làm dấy lên lo ngại rằng sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ có thể chững lại. Việc gia hạn các lệnh phong tỏa xã hội tại nhiều quốc gia và chi phí tăng đã làm suy yếu động lực hoạt động của các nhà máy ở châu Á trong tháng Sáu. Chuyên gia của PVM Oil nhận định thị trường đã trở nên tương đối “miễn nhiễm” với diễn biến của đại dịch COVID-19, nhưng nếu tình trạng ngừng hoạt động xảy ra ở những khu vực có nhu cầu năng lượng lớn ở châu Á, sự thờ ơ của thị trường đối với đại dịch có thể giảm bớt.

Mai Ly/TTXVN (Tổng hợp)
Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 2/7
Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 2/7

Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 2/7 sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, trì hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng cho đến ngày 2/7 để đàm phán thêm về chính sách sản lượng dầu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN