Kết quả này có được là do dự trữ xăng và dầu Mỹ ít đi và xuất khẩu dầu của Iran giảm bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ tác động đến khách mua.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,6% (1,19 USD) lên mức 77,14 USD/thùng, sau khi chạm mức 77,41 USD/thùng – mức cao nhất kể từ phiên 11/7. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đóng phiên này tiến 1,4% (98 xu Mỹ) lên mức 69,51 USD/thùng, sau khi đạt mức 69,75 USD/thùng – mức cao nhất kể từ phiên 7/8.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy dự trữ dầu của Mỹ giảm 2,6 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn mức giảm dự đoán 686.000 thùng dầu được các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra. Chủ tịch Lipow Oil Associates, Andrew Lipow, nhận định giá dầu phiên này nhận thêm sự hỗ trợ từ việc dự trữ dầu Mỹ giảm. Xuất khẩu dầu của Iran và Venezuela sụt giảm cũng hỗ trợ giá dầu trong phiên này, theo ông Lipow.
Xuất khẩu dầu thô và khí đốt ngưng tụ của Iran trong tháng 8/2018 được dự đoán giảm xuống dưới ngưỡng 70 triệu thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2017, theo dữ liệu sơ bộ từ Thomson Reuters Eikon. Hiện rất nhiều khách hàng đã giảm lượng đơn đặt hàng từ Iran – nước sản xuất dầu lớn thứ ba của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) – trước ngày 4/11 khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực.
Tại Venezuela – nước chứng kiến sản lượng khai thác dầu giảm một nửa kể từ năm 2016, nhằm ngăn chặn đà giảm trong sản lượng dầu, Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Venezuela PDVSA ngày 28/8 cho biết đã ký một thỏa thuận đầu tư trị giá 430 triệu USD để gia tăng sản lượng thêm 640.000 thùng/ngày tại 14 mỏ dầu, mặc dù một số chuyên gia tỏ ra nghi ngại về khả năng thực hiện khoản đầu tư này trước tình hình bất ổn về kinh tế và chính trị của Venezuela.
Bank of America Merrill Lynch dự đoán nguồn cung toàn cầu có thể tăng cho đến cuối năm, một phần nhờ sản lượng khai thác dầu tăng tại các nước sản xuất dầu nằm ngoài OPEC là Canada, Mỹ và Brazil. Equinor của Na Uy cho biết công ty năng lượng đa quốc gia này lên kế hoạch phát triển các khu vực khai thác dầu mới tại Brazil và dự định nâng sản lượng từ mức 90.000 thùng dầu/ngày quy đổi hiện nay lên 300.000-500.000 thùng/ngày vào năm 2030.