Tính chung cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,5%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 1,2%.
Trong phiên đầu tuần (6/8), giá dầu tăng mạnh sau khi các nguồn tin từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết sản lượng khai thác dầu của khối này bất ngờ giảm trong tháng 7/2018, làm dấy lên các lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu. Hai nguồn tin tại OPEC cuối tuần trước cho biết Saudi Arabia – “anh cả” của tổ chức này – bơm khoảng 10,29 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường trong tháng Bảy vừa qua, giảm khoảng 200.000 thùng/ngày so với mức trong tháng trước đó.
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên ngày 7/8 sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên hàng hóa Iran có hiệu lực, qua đó làm gia tăng lo ngại rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào dầu thô của nước này, dự kiến vào tháng 11 tới, có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Nhiều quốc gia châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ đã phản đối các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran, song Washington nói rằng họ muốn nhiều nước ngừng mua dầu Iran.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 8/8, giá dầu thế giới giảm sâu khi số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu mỏ của Mỹ sụt giảm ít hơn dự đoán. Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2018 giảm 2,23 USD xuống 66,94 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2018 cũng giảm 2,37 USD xuống 72,28 USD/thùng.
Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu thô dự trữ của nước này giảm 1,4 triệu thùng xuống 407,4 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn mức dự báo giảm 3 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg tiến hành.
Giá dầu nối dài sự sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 9/8, giữa bối cảnh tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang làm tăng thêm sự hoài nghi về triển vọng của nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 7/8 cho biết bắt đầu từ ngày 23/8 tới, Mỹ sẽ bắt đầu áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD của Trung Quốc. Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8/8 thông báo nước này quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD từ Mỹ.
Trong phiên cuối tuần (10/8), giá dầu lấy lại đà tăng, trước mối lo các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ khiến nguồn cung thắt chặt. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 74 xu Mỹ lên 72,96 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 82 xu Mỹ lên 67,63 USD/thùng. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/8 tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với Iran là "các biện pháp hà khắc nhất từ trước đến nay". Ông Trump nêu rõ đến tháng 11 tới các biện pháp này sẽ được nâng lên một mức khác, đồng thời nhấn mạnh "bất kỳ ai làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ".
Tuy nhiên, nhà quản lý Tariq Zahir, tại Tyche Capital, có trụ sở ở New York, lưu ý giá dầu vẫn sẽ chịu sức ép giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xăng chậm lại trong mùa Thu và các nhà máy lọc dầu đóng cửa bảo dưỡng, qua đó đẩy lượng dầu thô dự trữ tăng cao hơn.
Theo báo cáo hàng tháng của EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ, vốn tăng đột biến nhờ sản lượng dầu khí đá phiến, có thể tăng chậm lại do giá giảm. Sản lượng dự kiến chỉ tăng 1,31 triệu thùng/ngày lên 10,68 triệu thùng/ngày trong năm 2018, thấp hơn so với dự báo tăng 1,44 triệu thùng/ngày lên 10,79 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng trước.
Linda Capuano, người đứng đầu EIA, cho hay có khả năng giá dầu Brent giao ngay sẽ giảm xuống 70 USD/thùng vào cuối năm 2018 khi thị trường tương đối cân bằng trong vài tháng tới.