Theo đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 tăng 3,72 USD (4,4%) lên 88,86 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 4,14 USD (5,2%) lên 83,63 USD/thùng.
Giá dầu đã giảm trong bốn tháng liên tiếp kể từ tháng Sáu, khi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc đã ảnh hưởng tới nhu cầu từ thị trường tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Cùng với đó, lãi suất tăng và đồng USD mạnh lên cũng đè nặng thị trường tài chính toàn cầu.
Giữa bối cảnh như vậy, các nguồn thạo tin cho hay OPEC+ đang xem xét cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày trước cuộc họp hôm 5/10. Một nguồn tin cho biết thêm con số đó không bao gồm các khoản cắt giảm tự nguyện bổ sung của các thành viên riêng lẻ.
Nếu được thông qua, đây sẽ là lần cắt giảm sản lượng hàng tháng thứ hai liên tiếp của OPEC+ sau khi nhóm này đã giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày vào tháng trước.
Ông Dennis Kissler, quản lý cấp cao về hoạt động giao dịch của ngân hàng BOK Financial (Mỹ) cho biết, hầu hết các nhà giao dịch đều mong đợi mức cắt giảm khoảng 50.000 thùng/ngày.
Hai nguồn tin cũng cho biết OPEC + đã bỏ lỡ mục tiêu sản xuất gần 3 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Bảy, chủ yếu do các lệnh trừng phạt đối với một số thành viên và mức đầu tư thấp của các thành viên khác đã cản trở khả năng tăng sản lượng của tổ chức này.
Trong một báo cáo ngắn gửi khách hàng, công ty tư vấn FGE (Mỹ) cho biết mặc dù giá dầu Brent có thể nhanh chóng mạnh lên trong ngắn hạn sau các thông tin có lợi, những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn có khả năng hạn chế đà tăng của “vàng đen”.
Bên cạnh đó, FGE nêu rõ việc OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng trong thời gian tới sẽ dẫn đến sự gia tăng trong công suất dự phòng của khối, từ đó gây thêm áp lực giảm đối với giá hợp đồng dầu dài hạn.