Đầu phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tại thị trường New York giảm 2,4%, xuống 75,58 USD/thùng, sau khi đóng cửa giảm 1,9% vào phiên trước đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này có thể xuất khẩu lượng khí đốt tự nhiên kỷ lục sang châu Âu trong năm nay, giữa bối cảnh châu lục này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ. Giá xăng tiếp tục giảm vào ngày 7/10, sau phát biểu của ông và mức giá thấp hơn có thể đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ ít động lực hơn để chuyển sang dầu. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 1,7%, xuống 79,73 USD/thùng.
Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin cũng cho rằng, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ không nên để thị trường tăng quá nóng. OPEC+ hôm 4/10 đã đồng ý tiếp tục duy trì thỏa thuận tăng sản lượng dần mỏ dần dần, phớt lờ một số lời kêu gọi tăng sản lượng nhanh hơn để giúp giảm giá dầu. Ông nói, thị trường dầu đang cân bằng ở mức giá từ 45 - 60 USD/ thùng.
Theo Goldman Sachs Group Inc., giá dầu WTI đang giảm mạnh nhất so với dầu Brent trong 17 tháng qua, sau khi có báo cáo rằng Chính phủ Mỹ đang xem xét xuất dầu từ kho dự trữ khẩn cấp.
Cuộc khủng hoảng năng lượng từ châu Âu sang châu Á làm tăng triển vọng nhu cầu đối với các sản phẩm dầu trước mùa Đông năm nay. Sự can thiệp của Nga được dự báo sẽ giúp hạ nhiệt thị trường.
Theo Moody’s Investors Service, các nhà khai thác dầu cần tăng ngân sách khai thác lên 54% , đạt hơn 500 tỷ USD để ngăn chặn sự thiếu hụt nguồn cung đáng kể trong vài năm tới.