Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 98 xu, tương đương 1,18%, xuống mức 81,90 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ đã giảm 1,09 USD, tương đương 1,39%, xuống còn 77,57 USD/thùng. Giá của cả hai loại dầu chủ chốt này đều mất khoảng 1% vào phiên trước đó 21/5.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 5 của Fed, vừa được công bố ngày 22/5, cho thấy các quan chức ngân hàng này cảnh báo rằng lạm phát có thể mất nhiều thời gian hơn dự tính để giảm về mức mục tiêu.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí đi vay, giải phóng nguồn vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Ông John Kilduff của công ty đầu tư Again Capital cho biết: “Tôi không mong đợi việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra trước một trong những cuộc họp mùa Thu”.
Cũng tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết, lượng dầu thô dự trữ của nước này tăng 1,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/5. Con số này trái ngược so với mức giảm 2,5 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Anh).
Ông Kilduff cho biết: “Có nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà lọc dầu thô và nhu cầu xăng đang ở một trong những mức cao nhất mà chúng tôi từng thấy trong một thời gian”. Ông lưu ý rằng một phần của sự gia tăng nhu cầu đó là do các nhà cung cấp dự trữ hàng vào cuối tuần trước Lễ Tưởng niệm (Memorial Day).
Thị trường dầu thô đã bị áp lực bởi các yếu tố cơ bản suy yếu. Theo ông Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo, điều này có thể sẽ buộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp tháng Sáu để hỗ trợ giá dầu.